Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động có chuyên môn cao

00:00 12/10/2020

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ở khu vực miền Đông Nam bộ thiếu hụt trầm trọng lao động có chuyên môn, nhất là lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, điện tử, cơ điện tử…

Từ đầu năm đến nay, ngành cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh liên tục đăng tuyển tìm nhân sự, nhất là vị trí quản lý nhưng vẫn khó chọn được người phù hợp. Ông Hoàng Đức, phó Giám đốc Công ty Tin học Vinh An (quận Tân Bình) cho biết, do nhu cầu mở rộng kinh doanh, công ty cần tìm 5 kỹ sư IT có kinh nghiệm, 2 chuyên gia viết phần mềm nhưng rất khó tìm người. Những người có đủ chuyên môn lẫn kinh nghiệm thì họ đòi mức lương cao, DN khó đáp ứng. Do vậy bài toán tìm lao động mới của công ty đặt ra cả năm nay vẫn chưa giải được.

Hai tháng nay, Công ty TNHH May mặc Lâm Thi (quận Bình Tân) đăng tuyển cần một giám đốc bán hàng và hai quản đốc phân xưởng nhưng vẫn chưa tìm được ứng viên. Bà Lương Ngân Hà, phụ trách nhân sự công ty cho biết, mặc dù đã đưa ra mức lương, thưởng hấp dẫn nhưng chưa tìm được người, lý do những người làm việc ở cấp quản lý có kinh nghiệm hiện nay ít hơn so với nhu cầu của các DN.

Công ty TNHH Cơ khí P&J tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai đăng tuyển 16 công nhân kỹ thuật, 6 kỹ sư lành nghề, hai cấp phó giám đốc quản lý nhà máy và xuất nhập khẩu nhưng từ đầu năm đến nay chỉ mới chọn được gần 50% con số cần tìm. “Ứng cử viên tìm việc khá nhiều song người có kinh nghiệm lại ít, trong khi công ty chưa có kế hoạch nhận người mới để đào tạo lành nghề”, ông Trịnh Đức Thành, phụ trách nhân sự của công ty giải thích.

nhieu doanh nghiep thieu hut lao dong co chuyen mon cao

Kỹ sư, chuyên viên có tay nghề đang được các DN ngành điện tử, tin học ưu tiên tuyển dụng

Bà Trần Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm thực hiện khảo sát 8.581 DN có nhu cầu tuyển dụng 42.390 chỗ làm việc, 12.577 người có nhu cầu tìm việc. Trong số này, ngoài lĩnh vực kinh doanh- bán hàng có nhu cầu cao nhất với 22,02% trên con số đã khải sát; các lĩnh vực như cơ khí - tự động hóa, chiếm 9,25%, chủ yếu tuyển dụng kỹ sư cơ khí, kỹ sư tự động hóa, giám sát kỹ thuật; lĩnh vực công nghệ thông tin (8,05%), tuyển nhân viên IT, lập trình viên, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế và quản trị website, nhân viên kỹ thuật thiết bị mạng; điện tử -cơ điện tử (7,50%), tuyển kỹ sư điện tử, nhân viên kỹ thuật, kỹ sư cơ điện tử, giám sát kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật cơ điện tử…

Theo bà Đào, nhu cầu về nhân lực của các DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong quý II/2019 cần khoảng 75.000 chỗ làm việc, tập trung ở ngành kinh doanh -bán hàng (21,82%); dịch vụ - phục vụ (13,44%): dệt may -giày da (7,64%); cơ khí - tự động hóa (5,02%); công nghệ thông tin (4,60%); kinh doanh tài sản -bất động sản (4,35%); điện tử - cơ điện tử (4,27%)…Xu hướng nhu cầu về nhân lực của DN có trình độ đại học trở lên chiếm 20%, cao đẳng chiếm 16%, trung cấp chiếm 27%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật không bằng chiếm 21%, và 16% lao động chưa qua đào tạo

“Ngoài trình độ chuyên môn và bằng cấp; thị trường lao động thành phố luôn tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành mũi nhọn.Các DN vẫn luôn chú trọng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có nghề chuyên môn”, bà Đào chỉa sẻ thêm.

Theo phân tích của Navigos Search, từ đầu năm đến nay nhu cầu tuuyển dụng nhân lực có tình độ chuyên môn cao xẩy ra nhiều ở các lĩnh vực như mỹ phẩm, thời trang, thức ăn và đồ uống, do các DN này có những thương vụ sáp nhập, đầu tư, phát trát triển mạnh mẽ. Chưa hết, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất. Nhiều dự án các nhà máy mới vào Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng qui mô nhân sự đến gấp đôi, hoặc gấp ba lần trong năm, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp…đã làm cho thị trường lao động có chuyên môn cao tăng nhiệt.

“Nhờ dòng vốn FDI tiếp tục đổ dồn mạnh mẽ, sự phát triển của các khu vực như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, cùng với mức tăng trưởng dự báo khoảng 15% của thị trường bất động sản Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp C-level (tổng Giám đốc, phó tổng giám đốc) khá nhiều như CFO (giám đốc tài chính), COO (giám đốc hoạt động), Country Manager (giám đốc quốc gia hoặc trưởng đại diện) ngày càng lớn”, đại diện Navigos Search nhận định.

Trần Thế