Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 được khởi nguồn từ một sự kiện đau lòng trong Thế chiến thứ hai. Rạng sáng 1/6/1942, quân phát xít Đức đã thảm sát tàn bạo người dân làng Lidice (Tiệp Khắc). Trong số 173 người đàn ông bị giết hại, có tới 88 trẻ em bị sát hại dã man trong các phòng hơi ngạt, chỉ một số ít may mắn sống sót. Nỗi đau ấy đã lay động cộng đồng quốc tế.
Năm 1949, tại Hội nghị của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế tổ chức ở Moscow, ngày 1/6 được chọn là Ngày Quốc tế Thiếu nhi nhằm tưởng nhớ các nạn nhân và kêu gọi bảo vệ trẻ em khỏi chiến tranh, bạo lực và bóc lột. Từ đó, ngày 1/6 trở thành biểu tượng của lòng yêu thương, của quyền được sống, được học tập và được phát triển trong môi trường an toàn, hạnh phúc dành cho mọi trẻ em.
![]() |
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6: Lan tỏa yêu thương, chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai |
Ngày Quốc tế Thiếu nhi được nhiều quốc gia tổ chức nhằm tôn vinh trẻ em và bảo vệ quyền lợi của các em. Dù mỗi nước có cách kỷ niệm khác nhau, tất cả đều hướng đến môi trường sống tốt đẹp cho trẻ nhỏ.
Tại Mỹ, không có ngày Thiếu nhi cố định, thường gộp chung với các dịp như Ngày của Mẹ hoặc Ngày của Cha. Hiện nay, ngày này thường được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên của tháng Sáu. Tại Nhật Bản, trẻ em có hai ngày lễ riêng biệt trong năm, ngày mùng 3/3 dành cho bé gái và ngày mùng 5/5 dành cho bé trai, đều là dịp nghỉ lễ chính thức. Tại Trung Quốc, ngày mùng 4/4 là dịp kết hợp tôn vinh phụ nữ và trẻ em. Tại Hong Kong và Đài Loan, đây là ngày nghỉ lễ chính thức dành cho trẻ nhỏ. Tại Đức, ngày mùng 1/6 được kỷ niệm ở khu vực Đông Đức, còn khu vực Tây Đức tổ chức vào ngày 20/9 với tên gọi Ngày Thiếu nhi Thế giới. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/4 vừa là Ngày Chủ quyền Quốc gia vừa là Ngày Thiếu nhi. Tại Canada, ngày 20/11 được chọn làm Ngày Thiếu nhi, theo Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Tại Ấn Độ, ngày 14/11 là dịp dành cho trẻ em, trùng với ngày sinh của Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru. |
Ngay sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm sâu sắc tới thiếu nhi. Từ bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến các lời chúc nhân dịp Tết Thiếu nhi, Bác luôn nhấn mạnh: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Điều đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước và toàn xã hội trong việc chăm lo toàn diện cho thế hệ tương lai.
Hiện nay, nhiều chương trình hành động vì trẻ em đã và đang được triển khai như: Chương trình sữa học đường, Chiến lược quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, mạng lưới bảo vệ trẻ em cấp cơ sở… Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016 là bước tiến lớn, đặt trẻ em vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.
Ngày 1/6 hằng năm là dịp để trẻ em khắp nơi được vui chơi, nhận những món quà đầy ý nghĩa từ gia đình, nhà trường và xã hội. Tại nhiều địa phương, các hoạt động thiết thực được tổ chức như: hội trại thiếu nhi, chương trình nghệ thuật, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khám sức khỏe miễn phí, tuyên truyền về phòng chống xâm hại…
Tại Hà Nội, các chương trình “Ngày hội tuổi thơ”, “Cùng em đến trường” đã thu hút hàng nghìn trẻ em tham gia, tạo không gian vui chơi bổ ích, rèn luyện kỹ năng sống. Ở TP. Hồ Chí Minh, các khu vui chơi thiếu nhi, nhà văn hóa, thư viện tổ chức hàng loạt sự kiện nhân dịp này, trong đó chú trọng giáo dục quyền trẻ em, chống bạo lực học đường.
Song song với những hoạt động bề nổi, Ngày Quốc tế Thiếu nhi cũng là dịp để nhìn lại những thách thức đang đặt ra cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời đại mới: từ tác động của công nghệ, mạng xã hội, cho đến vấn đề xâm hại, bạo lực và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, y tế giữa các vùng miền.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai phát triển bền vững của quốc gia. Không chỉ dừng lại ở những món quà hay lời chúc trong ngày 1/6, điều các em cần nhất là một môi trường sống an toàn, bình đẳng, đầy ắp tình yêu thương và cơ hội phát triển toàn diện.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, thông điệp “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” được lan tỏa rộng khắp. Đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là lời nhắc nhở mỗi người lớn, mỗi tổ chức hãy hành động cụ thể, dù là nhỏ nhất để mỗi ngày với trẻ em đều là một ngày hạnh phúc. |