Tên gọi của tháng 6 bắt nguồn từ cái tên Juno của nữ thần tuổi trẻ và bảo vệ của người La Mã. Theo tiếng Latinh, tên của cô ấy xuất phát từ từ gốc mang nghĩa là “trẻ” sau đó quay lại ý tưởng về khả năng sinh sản và năng lượng sống.
Bên cạnh đó, cũng có một từ nguyên khác liên quan đến nguồn gốc tháng 6 khi giải thích tên tháng theo tiếng Latinh có nghĩa là “tuổi trẻ”. Theo đó, tháng 6 là tháng dành riêng cho Iuventas (người trẻ), trong khi đó tháng 5 lại dành cho Maiores (người lớn tuổi). Tuy nhiên, cả hai cách giải thích này đều thể hiện ý nghĩa tương tự nhau vì Juno vốn là nữ thần của tuổi trẻ.
![]() |
Tháng 6 với những ngày lễ quan trọng và đầy ý nghĩa |
Với ý nghĩa đó, mặc dù tháng 6 chỉ có 30 ngày, nhưng lại có nhiều ngày lễ, sự kiện quan trọng đối với mọi người. Trong đó, Ngày Quốc tế Thiếu nhi mở đầu tháng này để nhấn mạnh về quyền và lợi ích của trẻ em, cũng như mở đầu cho nhiều sự kiện nhân đạo khác.
Ngày 1/6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Tết dành riêng cho trẻ em. Trong ngày này, các em không chỉ được nhận những lời chúc mừng đầy yêu thương của ông bà, cha mẹ, người thân mà còn được nhận những món quà đặc biệt. Với các bậc cha mẹ, đây cũng nhân dịp thể hiện tình yêu thương dành cho các con thông qua những lời chúc và món quà.
Mặt khác, Tết Thiếu nhi 1/6 còn nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết cách quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hơn hết là cùng chung tay đem lại một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho những công dân tương lai của toàn cầu.
Ngày Môi trường thế giới 5/6 là ngày lễ quốc tế lớn nhất dành cho môi trường. Được dẫn dắt bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và được tổ chức hàng năm từ năm 1973, ngày này đã phát triển thành nền tảng toàn cầu lớn nhất để lan tỏa thông điệp về môi trường với sự tham gia hàng triệu người trên toàn thế giới.
Mục đích chính của ngày này là nâng cao nhận thức của mỗi người dân trên thế giới về vấn đề môi trường và sự quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất. Từ đó, mọi người có ý thức và hành động thiết thực để góp phần làm xanh Trái Đất như trồng cây xanh, phân loại rác, đổ rác đúng nơi quy định, hạn chế dùng đồ nhựa, nilon,…
Ngày Đại dương thế giới 8/6 do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự nỗ lực, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới cùng bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương; cùng tôn vinh những giá trị của đại dương cho sự sống, cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nhân loại.
Đại dương nuôi sống nhân loại và mọi sự sống trên Trái đất, nhưng những hiểu biết của chúng ta về đại dương còn rất hạn chế so với sự rộng lớn, bao la của đại dương. Các tác động và hậu quả thảm khốc gây ra cho đại dương đang được báo động ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngày này cũng là dịp để mọi người thể hiện sự gắn kết, sự trách nhiệm và sự hành động vì đại dương, để bảo vệ nó khỏi những tác động tiêu cực của con người, như ô nhiễm, quá khai thác, biến đổi khí hậu…
Mọi trẻ em đều có quyền được hưởng sức khỏe, giáo dục và bảo vệ, và mọi xã hội đều có vai trò trong việc mở rộng cơ hội sống của trẻ em. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, hàng triệu trẻ em bị đối xử không công bằng chỉ vì lý do liên quan đến quốc giam giới tính hoặc hoàn cảnh sinh ra.
Từ năm 2002, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chọn ngày 12/6 hằng năm là ngày Thế giới chống Lao động trẻ em với mục đích vận động người dân trên thế giới quan tâm đến vấn đề lao động trẻ em và cùng nhau hành động để xoá bỏ tình trạng này.
Ngày Hiến máu Thế giới, trong tiếng Anh gọi là “World Blood Donor Day” (WBDD), được tổ chức đều đặn hằng năm vào ngày 14/6. Đây là thời điểm để thế giới bày tỏ sự tôn vinh và ghi nhận đối với nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến máu. Hành động này đã cứu sống cũng như cải thiện sức khỏe cho hàng ngàn, thậm chí lên đến hàng triệu con người. Mặt khác, ngày lễ này cũng phần nào giúp mọi người trên thế giới có nhận thức tốt hơn về vai trò quan trọng của việc hiến máu cứu người.
Ngày này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất năm 2004 và được Liên Hợp Quốc tán thành. Mục đích của Ngày Hiến máu Thế giới là nâng cao nhận thức và hành động để cung cấp máu và chế phẩm máu an toàn, chất lượng cho những người cần tới. Đồng thời, ngày hiến máu thế giới cũng mang ý nghĩa tri ân và cảm ơn những người hiến máu trên toàn thế giới.
Ngày của Cha thường được biết đến nhiều ở các nước phương Tây. Tuy nhiên hiện nay, ở Việt Nam, ngày này cũng được nhiều người quan tâm.
Ngày của Cha xuất phát từ sự kiện diễn ra tại FaFairmont, bang Tây Virginia, Mỹ, vào ngày 5/7/1908. Đây là sự kiện được tổ chức bởi bà Grace Golden Clayton với mong muốn vinh danh cuộc đời của những người cha qua đời vài tháng trước trong thảm họa Monongah Mining vào ngày 6/12/1907.
Ngày của Cha là ngày để tôn vinh những người cha thân yêu, để con cái thể hiện sự biết ơn, kính trọng, lòng hiếu thảo đối với ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của bố.
Cùng với Ngày của Mẹ, Ngày của Cha ra đời nhằm nhắc nhở những người con nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha. Tình phụ tử hết sức thiêng liêng. Tình cảm và sự hy sinh của bố dành cho con luôn là điều không có gì có thể thay thế, con cái phải lấy đó để nhắc nhở mình về lòng hiếu thảo.
![]() |
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. |
Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ báo Thanh Niên, đây là dấu mốc đánh dấu sự hình thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam diễn ra vào ngày 21/6 hàng năm nhằm mục đích tôn vinh những nhà báo cách mạng, những người đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, và tri ân tới các nhà báo đã mang lại nguồn thông tin, kiến thức hữu ích cho nhân dân.
Ngày 26/6 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Quốc tế phòng, chống lạm dụng ma túy. Đây là sự kiện nâng cao nhận thức của người trên toàn thế giới về những tác hại và cách ngăn ngừa ma tuý.
Vì chỉ thông qua sự đoàn kết và nỗ lực chung của toàn xã hội mới có thể đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn ma túy khỏi cuộc sống. Và với danh sách các ngày lễ trong tháng 6, thì Ngày Quốc tế Phòng chống lạm dụng ma túy cũng chính là ngày lễ cuối cùng trong tháng.
Ngày Gia đình Việt Nam là ngày cả nước tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình, nhắc nhở những giá trị truyền thống quý báu của cha ông ta từ ngàn xưa, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu thương con người, đùm bọc, chở che cho nhau.
Ngày Gia đình Việt Nam còn là ngày để người Việt Nam hướng về nguồn cội, hướng về gia đình, đề cao những tình cảm cao đẹp. Dù đi đâu, làm gì thì gia đình vẫn là nơi để ta nhớ về, yêu thương và trở về.
Bên cạnh đó, ngày này cũng nhắc nhở về sự thủy chung, lòng son sắt của vợ chồng, sự sẻ chia và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Vào Ngày Gia đình Việt Nam, các gia đình có nhiều cách để bày tỏ tình cảm và tăng cường sự gắn kết như tặng quà, cùng nấu một bữa cơm đoàn viên, trao nhau lời chúc ý nghĩa. Đây cũng là cách người lớn dạy con trẻ về ý nghĩa của gia đình và trách nhiệm đối với các thành viên.
Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.