Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Các giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận". Hội thảo nhằm triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 677/KH-UBND ngày 25/2/2025 của UBND tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết số 03/NQ-CP và Chương trình hành động số 102-CTr/TU; Nghị quyết số 57-NQ/TW và của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng các kế hoạch, chương trình hành động liên quan.
![]() |
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình từ Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM phát biểu |
Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình từ Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM, Bình Thuận có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Singapore, Mỹ và Trung Quốc trong việc xây dựng chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ, với trọng tâm là hạ tầng số, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực số. Ông Tình đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ưu đãi tín dụng và mô hình chính sách phù hợp cho điều kiện cụ thể của Bình Thuận.
![]() |
Quang cảnh hội thảo |
Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp chuyển đổi số vào sản xuất. Ứng dụng Blockchain được xem là giải pháp tạo hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, chống hàng giả và tăng lòng tin người tiêu dùng quốc tế. Đồng thời, ứng dụng NFT sẽ bảo vệ sở hữu trí tuệ số, hỗ trợ chuyển nhượng công nghệ và thương mại hóa bản quyền. Công nghệ AI được kỳ vọng sẽ tối ưu hóa quy trình sản xuất, dự đoán chất lượng nguyên liệu và phân tích xu hướng thị trường một cách chính xác.
Một trong những điểm nhấn của hội thảo là việc ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp EDEN HUB và sàn thương mại điện tử Felix. Hợp tác này hướng tới tăng cường đầu ra cho nông sản địa phương, nâng cao tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy nông dân chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu nông sản số hóa của tỉnh. Đây được xem là mô hình hợp tác đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, mang nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược và thực tiễn.
![]() |
Phía doanh nghiệp đóng góp các ý kiến quý báu vào sản xuất kinh doanh cho tỉnhBình Thuận |
Các chuyên gia đã đưa ra bảy nhóm đề xuất chính sách quan trọng để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ tại địa phương. Về hỗ trợ tài chính, tỉnh nên xây dựng gói hỗ trợ từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng cho mỗi nhà máy mini thí điểm, ưu tiên các dự án chế biến sử dụng phụ phẩm nông thủy sản và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bình Thuận cần quy hoạch quỹ đất dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp với chính sách miễn giảm tiền thuê đất trong 5-10 năm đầu và hỗ trợ cải tạo hạ tầng. Việc kết nối ba nhà gồm doanh nghiệp, nhà khoa học và hợp tác xã cũng được nhấn mạnh thông qua việc thiết lập Trung tâm điều phối đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp cấp tỉnh.
Trong đào tạo nhân lực, tỉnh cần xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật chiết xuất hoạt chất sinh học, quản lý nhà máy nhỏ và sử dụng công nghệ số như AI, Blockchain trong sản xuất. Về xúc tiến thương mại, cần hỗ trợ chi phí gian hàng, thiết kế bao bì, thử nghiệm chứng nhận chất lượng và tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ nông sản quốc tế.
Đặc biệt, việc thành lập tổ công tác hỗ trợ sở hữu trí tuệ cấp tỉnh để tư vấn miễn phí về đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và nhãn hiệu được xem là cần thiết. Cuối cùng, tỉnh nên thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo tuần hoàn nông nghiệp với sự tham gia của ngân hàng và doanh nghiệp lớn, ưu tiên các mô hình "rác là tài nguyên" và sản phẩm từ phụ phẩm đến xuất khẩu.
Với những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch biển và nông nghiệp công nghệ cao, Bình Thuận đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành địa phương dẫn đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh địa phương đang có những cơ hội lớn để bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, với khoa học và công nghệ được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Hội thảo đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy liên kết giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu biến khoa học và công nghệ thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Với những đề xuất cụ thể và khả thi được đưa ra tại hội thảo, Bình Thuận hứa hẹn sẽ có những bước tiến quan trọng trong con đường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.