Thứ năm 19/09/2024 23:56
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Người nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh chủ động gia cố lồng bè, ao hồ ứng phó mưa bão

19/09/2024 09:19
Trước diễn biến mới của tình hình mưa bão, người nuôi trồng thuỷ sản tại Hà Tĩnh đang khẩn trương thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ nuôi, gia cố lồng bè trên sông nhằm ứng phó với mưa bão.
aa

Trước diễn biến mới của áp thấp có thể mạnh lên thành bão, hàng chục hộ nuôi cá lồng bè xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đã sớm gia cố, giằng néo, kéo lồng bè vào sát bờ để tránh tình trạng gió lớn kèm mưa to kéo lồng bè trôi sông. Thuyền bè công suất nhỏ được đưa lên cao để tránh va đập khi có mưa bão.

Các hộ nuôi cá lồng bè tại xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang khẩn trương gia cố lồng bè trước tình hình mưa bão.
Các hộ nuôi cá lồng bè tại xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang khẩn trương gia cố lồng bè trước tình hình mưa bão.

Đang tất bật dùng dây thừng cột chặt các lồng bè lại với nhau, ông Nguyễn Quốc Minh (53 tuổi, trú thôn song Hải) cho biết: “Năm nay gia đình tôi thả nuôi gần 2.000 con các loại cá vực, cá mú… Công sức nuôi trồng, chăm sóc cả mấy tháng trời trông vào đây cả nên trước thông tin dự báo mưa lũ, hai vợ chồng cùng gia cố lại lồng bè, kéo thuyền lên cao hi vọng giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra. Như năm ngoái gia đình tôi đã mất trắng do cá chết hàng loạt rồi”.

Người dân dùng dây thừng chằng chéo để tránh lồng bè được chắc chắn hơn
Người dân dùng dây thừng chằng chéo để tránh lồng bè được chắc chắn hơn.

Không chỉ người nuôi cá lồng bè đang vất vả gia cố, thời điểm này, người nuôi tôm ở các vùng nuôi trồng thuỷ sản cũng đang chủ động kiểm tra ao hồ, các thiết bị cần thiết và đánh vôi để bảo vệ những đồng tôm của mình.

Anh Nguyễn Văn Duy (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh) đã chủ động kiểm tra lại hệ thống điện, máy phát, khơi thông hệ thống thoát nước, đặt ống xả tràn, chuẩn bị nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi tôm khi cần thiết. Các vật tư quan trọng như vôi bột, khoáng chất, men vi sinh… cũng được bổ sung vào kho để phục vụ xử lý môi trường.

“Khoảng 2ha tôm nuôi thả đã đạt kích cỡ 90 con/kg nên khi nghe dự báo sẽ xuất hiện mưa lớn khiến tôi rất lo lắng. Sự thay đổi này làm tôm nuôi giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh sẵn có trong nước như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh và giảm hiệu quả nuôi tôm”, anh Duy lo lắng.

Hiện nay tổng diện tích thủy sản trên toàn tỉnh đang nuôi khoảng 4.011 ha, sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng 4.354 tấn.
Hiện nay tổng diện tích thủy sản trên toàn tỉnh đang nuôi khoảng 4.011 ha, sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng 4.354 tấn.

Tại huyện Kỳ Anh, người nuôi trồng thủy sản trên khu vực sông đã khẩn trương đưa lồng bè vào gần bờ, khu vực kín gió, giằng néo để tránh trường hợp mưa lớn làm nước dâng lên cao kéo lồng trôi sông.

Ông Phạm Hùng Anh (thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa, Kỳ Anh) chia sẻ: “Tôi đang thả nuôi cá lăng, cá rô phi tại khu vực đập dâng Sông Trí với sản lượng ước tính đạt 18 tấn nên gia đình rất lo lắng trước diễn biến bất lợi của thời tiết. Chúng tôi đã gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, vệ sinh lồng bè thông thoáng, xây dựng phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết”.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện nay tổng diện tích thủy sản đang nuôi khoảng 4.011 ha, sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng 4.354 tấn. Trước diễn biến mùa mưa bão, đơn vị đã hướng dẫn người nuôi cần có phương án thu hoạch sớm một số thủy sản nuôi ở các lồng đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát khi có mưa, bão xảy ra.

Theo dự báo từ chiều tối ngày 18/9 đến ngày 21/9, khu vực Hà Tĩnh xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm. Ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản cần chủ động các biện pháp phòng, chống với mưa lớn, bão, lũ, nhất là với những vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét.

Tin bài khác
Khi cơn bão đi qua...

Khi cơn bão đi qua...

Những gì còn lại là hoang tàn, đau thương và mất mát. Những dòng sông, gầm lên đục ngầu. Những quả đồi rung lên rồi ập xuống. những ngôi làng bị san phẳng, những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi.
Vì sao Việt Nam cần phải phát triển thị trường chứng khoán xanh?

Vì sao Việt Nam cần phải phát triển thị trường chứng khoán xanh?

Tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp bền vững cho phát triển kinh tế.
Những yếu tố làm khuấy đảo nền kinh tế toàn cầu

Những yếu tố làm khuấy đảo nền kinh tế toàn cầu

Ngay trước khi Fed đưa ra công bố về quyết định hạ lãi suất, tỷ phú Ray Dalio đã chỉ ra 4 yếu tố chính đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương - kỳ vọng mới

Quy hoạch tỉnh Bình Dương - kỳ vọng mới

Chiều 19/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển lãm điện, năng lượng.
TP.HCM: 200 doanh nghiệp FDI đối thoại đề xuất cách vận hành thông minh nhất

TP.HCM: 200 doanh nghiệp FDI đối thoại đề xuất cách vận hành thông minh nhất

Nhằm taọ điều kiện kinh doanh một cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), UBND TP.HCM và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức cuộc đối thoại cho 200 doanh nghiệp FDI và các lãnh đạo khu vực phía Nam.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son