Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức ký kết thỏa thuận về việc từ chối dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH.
Trong đợt này, các doanh nghiệp tham gia ký cam kết gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom.
Theo thỏa thuận, các doanh nghiệp sẽ cùng thống nhất cam kết từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đăng ký mới dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH khi đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước với một trong các bên.
Bên cạnh đó, các bên thống nhất chuyển dữ liệu khách hàng vi phạm của doanh nghiệp mình tới Hệ thống lưu trữ và hỗ trợ truy vấn khách hàng vi phạm được đặt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển mạng và dịch vụ - Cục Viễn thông (Bộ TT-TT). Đây là hệ thống trung gian để lưu trữ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truy vấn khách hàng vi phạm.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống kỹ thuật, các quy trình, thực hiện cập nhật thông tin khách hàng vi phạm và cùng chi trả các chi phí thuê hạ tầng, thiết lập, quản lý, khai thác hệ thống.
Trong thời gian thử nghiệm từ khi thỏa thuận được các bên ký kết đến hết ngày 31/12/2023, các doanh nghiệp viễn thông và Trung tâm hỗ trợ phát triển mạng và dịch vụ tự đảm bảo các nguồn lực để triển khai thỏa thuận.
Khi hệ thống chính thức hoạt động, các doanh nghiệp viễn thông và Trung tâm hỗ trợ phát triển mạng và dịch vụ sẽ thực hiện đàm phán, thống nhất và giao kết hợp đồng trả chi phí thiết lập, duy trì và quản lý, khai thác hệ thống theo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý.
Kết thúc thời gian thử nghiệm, Cục Viễn thông chủ trì cùng các doanh nghiệp viễn thông tiến hành sơ kết, đánh giá, đề xuất, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện thỏa thuận, hệ thống và các quy trình đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực, hiệu quả cho việc triển khai chính thức.
Trong quá khứ, tình trạng nợ cước viễn thông đã gây ra ra nhiều nhiều vấn đề cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Một số người dùng cố tình nợ cước viễn thông, sau đó lại chuyển sang một nhà mạng khác để đăng ký hòa mạng mới, dẫn đến tình trạng lạm dụng hệ thống.
Điều này không chỉ gây ra tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh trong ngành, làm cho tỷ lệ nợ cước tăng lên, chất lượng đi xuống và đặc biệt là các sợi cáp quang không bị thu hồi và trở thành rác thải.
Với mục tiêu tạo ra môi trường công bằng, minh bạch, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện các nội dung đã đồng thuận tại lễ ký kết, bảo đảm khách hàng nợ cước không thể được sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác.
"Các doanh nghiệp cần tăng cường truyền thông tới khách hàng để nâng cao ý thức trong việc sử dụng dịch vụ, rà soát các hợp đồng mẫu, bổ sung các điều khoản hợp đồng để bảo đảm người sử dụng thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, nên tiến hành rà soát lại các chương trình khuyến mãi để bảo đảm người dùng không lợi dụng để chuyển dịch giữa các nhà mạng”, ông Nhã nói. Cục Viễn thông khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông còn lại chủ động tham gia vào cam kết này.
Thỏa thuận được kỳ vọng đảm bảo người sử dụng dịch vụ nghiêm túc thực hiện quy định, hợp đồng đã ký kết, giúp giảm tỷ lệ nợ xấu của các nhà mạng, từ đó có nguồn lực nâng cao chất lượng đường truyền, thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng.
Trước đó, từ tháng 7, nhiều người dùng tại Việt Nam cũng cho biết, không còn được miễn phí lắp đặt Internet cố định như trước. Chính sách này xuất hiện đồng loạt ở nhiều nhà mạng lớn, dù không có thỏa thuận nào được công bố.
Minh Anh (t/h)