Người dân, phụ huynh, học sinh cẩn thận, đề phòng đối với các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

12:00 28/11/2023

Cơ quan chức năng khuyến cáo các gia đình thường xuyên nhắc nhở các con không được mua và sử dụng các loại thực phẩm, bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Ngon, rẻ, tiện lợi, thức ăn, đồ uống  như xúc xích, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga…từ những quán hàng xung quanh các cổng trường luôn hấp dẫn mọi lứa tuổi học sinh. Ảnh minh họa
Ngon, rẻ, tiện lợi, thức ăn, đồ uống như từ những quán hàng xung quanh các cổng trường luôn hấp dẫn mọi lứa tuổi học sinh (Ảnh minh họa).

Ngon, rẻ, tiện lợi, thức ăn, đồ uống như xúc xích, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga… từ những quán hàng xung quanh các cổng trường luôn hấp dẫn mọi lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, không ít loại đồ ăn vặt chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài

Theo các chuyên gia y tế, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột.

Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở…, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.

Mới đây, ngày 23/11, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm  Đắk Lắk cho biết, đã có kết quả kiểm tra bước đầu việc 17 học sinh lớp 5B Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Eatu, TP Buôn Ma Thuột) uống trà sữa ngoài trường và nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, khoảng 12h30 ngày 22/11, một phụ huynh có con học lớp 5B đến tiệm trà sữa ngoài trường đặt mua 36 ly trà sữa mời 35 học sinh và cô giáo chủ nhiệm uống. Sau khi uống trà sữa được 15 phút, học sinh bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy…

Qua kiểm tra, cơ sở này chưa xuất trình được thủ tục pháp lý liên quan như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe, giấy tập huấn kiến thức của chủ và nhân viên, hồ sơ theo dõi nguồn gốc thực phẩm. Hiện cơ sở này được yêu cầu tạm ngừng hoạt động kinh doanh cà phê, giải khát.

Tiếp đó, ngày 25/11, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, thông tin trên địa bàn vừa xảy ra vụ 5 học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng nghi bị ngộ độc thực phẩm do ăn một loại kẹo lạ có in chữ nước ngoài được bán ở khu vực gần trường.

Cụ thể, vào khoảng 10 giờ ngày 25/11, trong giờ giải lao các em học sinh đã đi ra quán tạp hóa phía sau trường mua kẹo ăn, sau đó một số em xuất hiện các biểu hiện nghi ngộ độc.

Sau khi xảy ra sự việc nhà trường đã rà soát và phát hiện có tổng 126 em sử dụng loại kẹo này. Trong đó có 5 em học sinh xuất hiện biểu hiện: tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở; 121 em chưa có biểu hiện bất thường về sức khỏe. 5 em có biểu hiện được đưa đến Trung tâm Y tế theo dõi và điều trị, đến khoảng 14 giờ chiều sức khỏe đã ổn định và được đưa về nhà theo dõi sức khỏe.

Số kẹo lạ in chữ Trung Quốc mà các học sinh ăn dẫn đến phải nhập viện
126 học sinh Trường Trung học Cơ sở thị trấn Cái Rồng sử dụng kẹo có chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt, trong đó 5 em có biểu hiện bị ngộ độc ngày 25/11.

Nói về nguy cơ của thực phẩm đường phố, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo trên Baodautu.vn, người dân nên tuân thủ những điều sau để tránh tối đa rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố vào mùa hè:

Không mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm… ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận.

Không ăn ngay rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm các món bún riêu, phở bày bán ngoài đường. Nhiều người chế biến thức ăn đường phố do không mang đủ nước sạch để rửa rau nên dễ khiến cơ thể ăn phải ấu trùng giun, sán. Nếu mua về thì nên rửa lại sạch sẽ.

Không ăn bánh quẩy, bánh rán, nem rán… trong những chảo dầu mỡ có màu quá đen. Chọn mua thức ăn ở những địa chỉ quen thuộc, tin cậy. Đối với các quán bán rong thức ăn đường phố, nên chọn mua thức ăn đường phố tại quán có dụng cụ, lọ, hộp đảm bảo vệ sinh để chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống.

Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nặng như nôn ói nhiều, không thể ăn uống bất cứ thứ gì; chất nôn hoặc phân có máu, tiêu chảy hơn 3 ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C.

Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng các test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.

P.V (T/H)