Nằm ngay Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn phường Trúc Lâm, bãi tập kết cát có biển hiệu Thông Trang hiện đang tập kết hàng trăm m3 cát trên diện tích hàng nghìn m2 đất.
Theo quan sát của phóng viên, điểm tập kết được đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ 1A. Hoạt động mua bán vận chuyển vật liệu ở đây diễn ra khá tấp nập. Các loại xe ben đầu kéo liên tục vào ra gây cản trở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tại đây, cát được tập kết, sàng rửa ngày đêm, nước thải được thải trực tiếp ra khu vực cánh đồng bên cạnh.
Làm việc với ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm, ông Hưng xác nhận: Bãi tập kết vật liệu xây dựng Trang Thông đang tập kết trên 3 loại đất, bao gồm đất ở, đất 5% do phường quản lý và đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về diện tích cụ thể đất 5% thì ông Hưng không nắm cụ thể, đồng thời ông Hưng cũng khẳng định, đây không phải là khu vực quy hoạch bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm có cung cấp cho phóng viên hồ sơ được cho là liên quan đến dự án, trong đó có Giấy xác nhận đăng ký bảo vệ môi trường do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn cấp cho hộ kinh doanh cá thể Bùi Thị Huyền Trang đã đănng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với Dự án Khu kinh doanh vật liệu xay dựng (VLXD).
Trên cơ sở hồ sơ được cung cấp đặt ra vấn đề: Dự án tập kết VLXD tại phường Trúc Lâm do đơn vị nào phê duyệt? Vị trí thực hiện dự án cụ thể như thế nào; v.v… Đề Nghị UBND thị xã Nghi Sơn làm rõ các vấn đề trên đối với điểm tập kết cát Trang Thông tại phường Trúc Lâm để minh bạch thông tin trước dư luận.
Dọc theo Quốc lộ 1A, trên địa bàn phường Tân Dân cũng phát sinh hai bãi tập kết vật liệu xây dựng (cát sỏi) trái phép của ông Hồ Ngọc Hải và ông Vũ Sỹ Hoàng. Cụ thể, bãi tập kết của ông Hồ Ngọc Hải nằm ngay trong khu dân cư, phía Đông Quốc lộ 1A, phường Tân Dân, cách trung tâm hành chính phường và chợ khoảng 500m. Dù không có đấu nối chính thức với Quốc lộ 1A nhưng tại lối vào bãi tập kết, mặt cống thoát nước được hạ thấp ngang mặt đường như một điểm đấu nối hợp pháp thông thường, trong khi đó, hệ thống cống thoát nước được thi công sau sự tồn tại của bãi tập kết. Được biết, Quốc lộ 1A đoạn qua phường Tân Dân do Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ 472 quản lý.
Tại đây một khối lượng cát lớn được tập kết và giao dịch vận chuyển rầm rộ với nhiều lượt xe vận chuyển vào ra trong ngày, chủ yếu là xe ben đầu kéo tải trọng lớn. Quốc lộ 1A tại vị trí tiếp giáp bãi tập kết, cát sỏi vương vãi, bụi bặm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tương tự, phía Tây Quốc lộ 1A, gần ngã ba Cung trên địa bàn phường Tân Dân, điểm tập kết của ông Vũ Sỹ Hoàng là một điểm tập kết trái phép ngang nhiên tồn tại, nhiều xe vận chuyển tải trọng lớn ra vào, gây cản trở, ảnh hưởng hạ tầng giao thông tại khu vực.
Trao đổi với ông Lâm Ngọc Niêm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Dân, ông Niêm cho biết, đã tổ chức kiển tra, lập biên bản và nhắc nhở, nhưng khi PV xin tiếp cận biên bản thì cán bộ địa chính lại nói: “Chúng tôi chỉ tổ chức kiểm tra nhắc nhở, chưa lập biên bản”, có nghĩa dù là không có giấy phép hoạt động bãi, nhưng chính quyền nơi đây cũng chỉ nhắc nhở miệng.
Cũng trên địa bàn Nghi Sơn, tại xã Thanh Sơn, ngay đầu cầu Đáy, một “quần thể” nhà xưởng, bến bãi, công trường quy tụ, bao gồm xưởng đá mỹ nghệ, xưởng đúc gạch không nung, bãi tập kết cát sỏi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng giao thông trên tuyến tỉnh lộ 525. Trong đó, bãi tập kết cát sỏi ngay tại đầu cầu Đáy không chỉ lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đê mà cũng tồn tại những bất cập tương tự. Tại đây, cát, sỏi được tập kết tràn lên mặt đê. Hoạt động rửa cát khiến nước thải trực tiếp ra khu vực ruộng đồng bên cạnh bãi.
Một người dân sống trong khu vực trên cho biết: “Đối với bãi tập kết cát sỏi, xe cộ vào ra thường xuyên khiến đoạn đường này nát hết, mới được tu sửa lại nhưng cũng không biết được mấy ngày”.
Trao đổi với ông Trần Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, ông Xuân ghi nhận: Khu vực trên (bãi, nhà xưởng) chủ yếu là đất ở của các hộ, bãi tập kết cát sỏi có vi phạm một phần diện tích đất mặt đê (…). Các hộ đều có cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên trên thực tế vẫn có việc rửa cát và xả nước ra mương và đồng ruộng bên cạnh.
Không chỉ ở Trúc Lâm, Tân Dân, Thanh Sơn, mà còn rất nhiều những bãi tập kết cát sỏi và vật liệu xây dựng khác trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đang hoạt động trái quy định, không có giấy phép hoạt động bãi, vi phạm hành lang an toàn giao thông, vi phạm quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường như khu vực cầu Vằng (Tùng Lâm), bãi tập kết cát đối diện cây xăng Hải Bình., v.v… Điều này đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm và công tác quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng liến quan trên địa bàn thị xã Nghi Sơn.
Ngọc Lâm