Nghệ thuật ra quyết định của ông chủ Amazon

00:00 12/10/2020

Vào tháng 9 năm 2018, giá trị thị trường của Amazon đã vượt qua ngưỡng 1 nghìn tỷ USD. CEO Jeff Bezos chắc chắn đã không thể đưa Amazon lên vị trí dẫn đầu thị trường nếu ông không làm chủ được nghệ thuật ra quyết định.

Jeff Bezos. Nguồn: Internet

Trong một lá thư gửi các cổ đông Amazon năm 2015, ông chủ Amazon đề xuất hai loại quyết định mà các doanh nhân và giám đốc điều hành thường xuyên phải đối mặt. Quyết định đầu tiên đại diện cho một cánh cửa bạn bước qua và không thể quay trở lại, chẳng hạn như bỏ một công việc được trả lương cao để tập trung vào dự án riêng của mình. Trong trường hợp của Amazon, lựa chọn kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử là một canh bạc đầy phiêu lưu mà hiện nay nó đã đem lại cho họ một doanh nghiệp trị giá hơn 1000 tỉ USD. Những quyết định kiểu này cần phải được đưa ra một cách có phương pháp, cẩn thận, chậm rãi, với sự cân nhắc và tham khảo ý kiến kỹ càng. Loại quyết định thứ 2 thể hiện sự lựa chọn có thể đảo ngược, ví dụ như thử nghiệm sản phẩm mới với một nhóm khách hàng hoặc thay đổi bố cục một phần trên cửa hàng của Amazon.

Làm thế nào để đưa ra quyết định tối ưu                        

Lý tưởng nhất là bạn cần dành tối đa 10% thời gian làm việc trong tuần cho các quyết định loại 1. Điều này sẽ bòn rút và tiêu tốn thời gian của bạn, nhưng để mang lại hiệu quả cao nhất bạn cần đặc biệt chú tâm vào nó. Đừng bao giờ đưa ra quyết định loại 1 trong khi bạn đang cảm thấy tức giận, đói, cô đơn hoặc trong lúc đang mệt mỏi. Ví dụ, sẽ không phải là một sự lựa chọn tuyệt vời nếu như vào một buổi sáng thứ Hai bạn quyết định từ bỏ công việc chỉ vì đang cảm thấy mệt mỏi chán nản trong cuộc sống.

Đối với loại quyết định thứ 2 bạn cần đưa ra một cách nhanh chóng bằng cách gộp chúng lại, ủy thác cho một thành viên trong nhóm hoặc thuê ngoài. Thay vì để cảm xúc lấn át, hãy tìm hiểu những gì bạn có thể làm để giải quyết vấn đề. Bạn cũng có thể đưa ra những quyết định lớn bằng cách tham khảo ý kiến của các chuyên gia với nhiều quan điểm tương phản trái ngược.

Chuẩn bị kế hoạch cho những hiệu quả bất ngờ có thể đạt được

Nhiều quyết định của bạn đôi khi có thể mang tới những hiệu quả bất ngờ. Đôi khi việc dành hàng giờ để hoàn thành đơn hàng và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng cũng có thể mang tới những trải nghiệm khiến khách hàng ưa thích sản phẩm của bạn. Những hiệu quả bất ngờ này thường đại diện cho các quyết định loại 2 mà bạn đưa ra thông qua ủy thác, thuê ngoài hoặc xem xét lại các quy trình kinh doanh.

Các quyết định loại 2 có thể và nên được đưa ra một cách nhanh chóng bởi các cá nhân hoặc nhóm nhỏ có khả năng phán đoán chuẩn xác. Ví dụ, một chủ doanh nghiệp khi xem xét một nhà cung cấp dịch vụ email sẽ cân nhắc cẩn thận các chi phí sử dụng dịch vụ này. Những sự lựa chọn như vậy có thể ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền của doanh nghiệp. Chính vì vậy, vị doanh nhân này có thể sẽ cần dành vài giờ để đọc các bài đánh giá và trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm đó trên thị trường. Người chủ doanh nghiệp sẽ rất vui nếu một thành viên trong công ty đưa ra một vài giải pháp trước khi có sự lựa chọn cuối cùng tối ưu.

Chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình

Hiệu quả lớn nhất mang lại đôi khi đến từ những quyết định đi ngược lại sự hiểu biết thông thường.

Tại sao người đọc lại muốn mua những cuốn sách trên các thiết bị số trong khi họ hoàn toàn có thể mua các cuốn sách được in bìa mềm? Tại sao một cửa hàng thương mại điện tử tham gia vào dịch vụ lưu trữ đám mây và kinh doanh dịch vụ? Liệu mọi người sẽ thực sự tin tưởng máy bay không người lái có thể giao hàng hàng ngày?

Theo Jeff Bezos: “Nếu đầu tư với tỉ lệ 10% cơ hội nhận lại lợi nhuận 100 lần, bạn nên đặt cược vào điều đó.”

 Lên kế hoạch cho những thất bại có thể xảy ra

Một số khoản đầu tư mạo hiểm của Amazon đem lại lợi nhuận rất cao có thể kể đến như: Kindle và kinh doanh dịch vụ đám mây. Tuy nhiên cũng có những khoản đầu tư mạo hiểm mang tới thất bại, khiến Amazon phải trả giá rất đắt như: Amazon Webstore (một đối thủ cạnh tranh của Shopify) và Amazon Fire Phone tiêu tốn tới hơn 170 triệu USD mà không đem lại hiệu quả.

Bezos tin rằng những thất bại như thế là một phần không thể thiếu trong thực hiện công việc và họ đã có sự chuẩn bị trước cho điều đó. Ông nói: Bạn vẫn có thể sai chín lần trong mười lần thực hiện. Trong kinh doanh, cứ mỗi lần bạn đạt tới đỉnh vinh quang, thì trước đó bạn có thể đã có 1.000 lần thất bại. Những người thành công vĩ đại thường phải trả những cái giá đôi khi rất đắt cho những lần thất bại trước đó. Và cuối cùng, lý do để những doanh nhân đạt được thành công vĩ đại chỉ vì họ đã không lựa chọn bỏ cuộc trước thất bại.

Duy Thái