Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT. Qua đó, Cục QLTT Nghệ An đã xử lý 44 vụ vi phạm trong hoạt động TMĐT với tổng số tiền phạt gần 1,1 tỷ đồng. Trong đó, có các vụ vi phạm điển hình, như: Vào ngày 5/1/2021, Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh đai nịt bụng Latex của bà C.T.H.A tại đường Phạm Đình Toái, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở này bày bán 1.500 sản phẩm đai nịt bụng do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Do vậy, Cục QLTT Nghệ An đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 45 triệu đồng, tịch thu 1.500 đai nịt bụng nêu trên với trị giá 450 triệu đồng…
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hường - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ tiến hành kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Qua số liệu thống kê tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (Bộ Công Thương) cho thấy, thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 499 Website TMĐT bán hàng, 05 Website Sàn giao dịch TMĐT, 02 ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp đã thực hiện nghĩa vụ thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định. Số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng nhanh theo thời gian. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã coi TMĐT là kênh kinh doanh, phân phối hàng hóa quan trọng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn một số đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT, các trang mạng xã hội để tiến hành kinh doanh các loại hàng hóa vi phạm như hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hoạt động kinh doanh hàng hoá trên môi trường TMĐT (ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)
Được biết, các đối tượng vi phạm trên môi trường TMĐT hầu hết là có trình độ và hiểu biết về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến. Đồng thời, thường xuyên thay đổi các hình thức quảng cáo hàng hoá qua mạng xã hội để thu hút người mua và lẩn tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng đa kênh để tiện xóa bỏ các dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet gây khó khăn cho việc xác định chính xác các thông tin... Đặc biệt, một số đối tượng sử dụng website TMĐT để bán hàng vi phạm bằng tên miền quốc tế như .com,.net, .org … còn mập mờ về thông tin chủ sở hữu, được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Văn Cương – Hoàng Lan