Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, KH&CN để triển khai Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” theo Quyết định số 2640/QĐ-BKHĐT ngày 21/11/2024của Bộ KH&ĐT.
Được biết, tại Quyết định số 2640/QĐ-BKHĐT, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí ngân sách hỗ trợ học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành công nghiệp bán dẫn.
Thúc đẩy việc hình thành, phát triển hệ sinh thái, các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn nhằm tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, khuyến khích tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và khen thưởng nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo, cách làm đột phá trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động và lợi ích cho cộng đồng.
Sản xuất linh kiện điện tử ở Nghệ An |
Qua chỉ đạo nêu trên của UBND tỉnh cho thấy, Nghệ An đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu. Đây là một bước đi chiến lược quan trọng trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn được coi là nền tảng cho nhiều lĩnh vực công nghệ cao và đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để phát triển nguồn nhân lực cho ngành này, Nghệ An có thể tập trung vào một số giải pháp như: Hợp tác với các trường đại học trong và ngoài tỉnh để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên môn về kỹ thuật bán dẫn, vi mạch và các lĩnh vực liên quan; đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia và nhân tài trong ngành công nghiệp bán dẫn đến làm việc và giảng dạy tại địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn; kết nối để hợp tác với các công ty và tổ chức quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm và tiếp nhận công nghệ mới trong lĩnh vực bán dẫn; tạo điều kiện cho các dự án nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn…
Nhìn chung, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn sẽ giúp Nghệ An nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh và khu vực. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ có ý nghĩa đối với Nghệ An, mà còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho toàn bộ khu vực và quốc gia.