Ngành Lâm nghiệp với chiến lược nâng cao chất lượng rừng tầm nhìn 2050

00:02 23/02/2021

Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021–2030 với tầm nhìn tới 2050 để tìm ra những giải pháp mang tính đột phá nâng cao chất lượng rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021–2030 với tầm nhìn tới 2050.

Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng cho quá trình hình thành và xây dựng các chính sách mới cho ngành Lâm nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới. Mỗi quốc gia, tùy vào thể chế chính trị, nguồn lực tài nguyên và con người, trình độ khoa học kĩ thuật, quan điểm và tầm nhìn về vai trò của ngành lâm nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội, sẽ có định hướng khác nhau. 

Phát triển kinh tế rừng phải gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp    Ảnh: Internet
Phát triển kinh tế rừng phải gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Ảnh: Internet.

Trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển lâm nghiệp không thể mở rộng, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021–2030 với tầm nhìn tới 2050 để tìm ra những giải pháp mang tính đột phá nâng cao chất lượng rừng.

Tại Hội thảo tham vấn Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 15 năm thực hiện Chiến lược, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng.

Ngành đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, được các các cấp, các ngành, đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tiếp tục thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững   Ảnh: Intenet
Hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững Ảnh: Intenet.

Theo đó, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng đã từ 38% năm 2006 lên 41,89% năm 2019 và dự kiến đạt 42% năm 2020; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012-2018; năm 2019 đạt 11,3 tỷ USD. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2019 đạt trên 13.900 tỷ đồng, trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần bảo vệ cho trên 6 triệu ha rừng cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, đặc biệt là góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả đất rừng được quy hoạch, đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân.

Trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006–2020, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, cùng với các nhóm kĩ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thiết lập, cũng đã xem xét và phân tích các kịch bản tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam dựa trên khả năng cung cầu của thị trường, định hướng phát triển kinh tế, nhân lực, trình độ khoa học kĩ thuật và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Mai Lê