Ngành hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, hòa chung vào xu thế chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường này được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 5-6% mỗi năm, ngành hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu lượt khách vào năm 2035 và đạt 200 triệu lượt vào năm 2040, tăng lần lượt gấp 1,9 và 2,5 lần so với năm 2019.
Ngành hàng không có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024? |
Những con số thống kê gần đây cho thấy sự bùng nổ đáng kể trong lưu lượng khách quốc tế. Từ mức thấp kỷ lục 540 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không năm 2021, con số này đã tăng mạnh, đạt 32 triệu lượt vào cuối năm 2023, chiếm 43,2% tổng lượt khách. Trong sáu tháng đầu năm 2024, ngành hàng không tiếp tục ghi nhận sự phục hồi ấn tượng với 38,1 triệu lượt khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 21,1 triệu lượt, tăng tới 44,3%.
Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi mạng lưới đường bay quốc tế không ngừng mở rộng, hiện kết nối tới 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua 98 đường bay thường lệ. Các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines đóng góp 1.013 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần trong tổng số 2.720 chuyến bay quốc tế, tăng 152 chuyến so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, các hãng hàng không lớn không ngừng mở rộng mạng lưới, khai thác các đường bay mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Vietnam Airlines đã mở thêm các tuyến bay quốc tế mới như Hà Nội/TP.HCM - Munich, Manila, và Phnôm Pênh, đồng thời đưa vào khai thác các chuyến bay nội địa như Đà Nẵng - Đà Lạt, Đà Nẵng - Buôn Mê Thuột. Cùng lúc, hãng sử dụng máy bay thân rộng trên các tuyến bay giữa Việt Nam với Ấn Độ, Singapore và Trung Quốc. Vietjet Air cũng không đứng ngoài cuộc khi mở thêm đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, đồng thời duy trì và nâng cao tần suất trên các đường bay hiện có.
Hạ tầng hàng không cũng đang được nâng cấp mạnh mẽ với hàng loạt dự án trọng điểm do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai. Nhà ga T3 tại Tân Sơn Nhất, nhà ga T2 tại Nội Bài, và đặc biệt là dự án sân bay quốc tế Long Thành hứa hẹn tạo ra đột phá trong năng lực khai thác. Đồng thời, các nghiên cứu mở rộng các sân bay nhỏ hơn như Cà Mau, Chu Lai và Phan Thiết cũng được triển khai nhằm tăng cường kết nối khu vực. Những dự án này không chỉ góp phần nâng cấp hạ tầng mà còn giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Bước vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2025, các hãng hàng không đã chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao. Trong khoảng thời gian từ ngày 14/1 đến 12/2/2025, hơn 6,9 triệu ghế sẽ được cung ứng, tăng 4% so với Tết năm 2024, trong đó số ghế nội địa chiếm khoảng 4,8 triệu, tăng 3,5%. Vietnam Airlines đã mở bán sớm 2,15 triệu chỗ cho hơn 11.000 chuyến bay nội địa, tập trung vào các tuyến đường trọng điểm như Hà Nội - TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, và TP.HCM - Hải Phòng, Huế, Quy Nhơn. Vietjet Air cũng công bố kế hoạch bán 2,6 triệu vé bay trong cùng giai đoạn, đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng tốt nhất.
Những nỗ lực trên, kết hợp với chính sách phát triển du lịch từ các địa phương, đang tạo cơ hội lớn cho ngành hàng không Việt Nam phát triển vượt bậc. Việc tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế như ICAO và IATA cũng giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài vào việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng. Điều này không chỉ nâng cao khả năng kết nối quốc tế mà còn củng cố vị thế Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.