Trường Tiểu học Thắng Sơn đóng trên địa bàn xã thắng Sơn (huyện Thanh Sơn) - xã miền núi đặc biệt khó khăn với phần đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù điều kiện hạn chế song nhà trường đã tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ dạy và học.
Theo dõi giờ học với hệ thống phòng học thông minh, cả cô và trò đều rất hào hứng, sôi nổi. Nhờ được tích hợp các phần mềm giảng dạy điện tử nên giáo viên có thể chuyển tải kiến thức cho học sinh thuận tiện; đặc biệt, các bài giảng của giáo viên đã khai thác có hiệu quả hình ảnh, video phục vụ trực tiếp cho bài giảng.
“Trước đây, giáo viên thường soạn giáo án bằng cách viết tay, học sinh tiếp cận thông tin trên sách vở, nhưng đến nay, học sinh được tiếp cận với mô hình phòng học thông minh nên việc giảng dạy trở nên thuận lợi hơn. Bài giảng của giáo viên đa dạng, phong phú và chất lượng. Học sinh tập trung chú ý và hào hứng hơn trong mỗi giờ học, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm...” - Thầy Vũ Kim Ngọc- Hiệu trưởng trường THCS Thắng Sơn chia sẻ.
Trường THPT Công nghiệp Việt Trì được đánh giá là một trong số các trường điển hình trong ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, dạy học. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Toán - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Xác định ứng dụng công nghệ hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, nhà trường đã chú trọng đầu tư đường truyền tốc độ cao; 2 phòng Tin học với 60 máy tính. Đặc biệt, chúng tôi quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục; tổ chức tập huấn khai thác, sử dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy các môn học cho cán bộ, giáo viên toàn trường. Hiện toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác giảng dạy.
Hiện nay, trường THPT Công nghiệp Việt Trì đang ứng dụng bộ công cụ Microsoft office 365 phục vụ quản lý, hoạt động chuyên môn và dạy học trực tuyến với gần 1.000 tài khoản đã được cấp cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh. Ngoài hỗ trợ dạy và học online, với phần mềm này, việc giám sát, dự giờ kiểm tra trong quá trình dạy học trực tuyến của Ban Giám hiệu nhà trường cũng thuận lợi hơn.
Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng CNTT mà hoạt động dạy và học tại hơn 880 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn diễn ra đảm bảo kế hoạch, chất lượng và tiến độ đề ra. Chỉ trong thời gian rất ngắn, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh khi cần đều có thể chuyển đổi sang dạy học online - một hình thức chưa từng có trong tiền lệ. Cùng với các hoạt động dạy và học, các hoạt động quản lý, kiểm tra, đánh giá, thi cử… đều diễn ra trên “môi trường số”. Hàng nghìn bài giảng E-lerning được xây dựng ở tất cả các cấp học, góp phần hình thành kho học liệu số về giáo dục.
Sở GD&ĐT đã xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối từ Sở đến các Phòng GD&ĐT, các trường THPT trên toàn tỉnh; sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử phục vụ công tác quản lý, điều hành. Nhiều cơ sở giáo dục đã tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử…) cập nhật đầy đủ dữ liệu về cán bộ, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, đánh giá, xếp loại học sinh... lên hệ thống thông tin quản lý giáo dục để làm cơ sở thống nhất với các phần mềm khác.
Theo cô giáo Lã Nhị Hà - Hiệu trưởng trường THCS Nông Trang (thành phố Việt Trì): Nếu như trước kia, việc tính điểm cho học sinh được thực hiện thủ công rồi ghi chép vào sổ, khó tránh khỏi nhầm lẫn thì nay thực hiện hoàn toàn trên máy, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian chép ra các loại sổ sách. Ban Giám hiệu không còn phải lật từng trang sổ điểm lớn để kiểm tra mà chỉ cần ngồi kích chuột là kiểm tra được điểm của học sinh toàn trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng sổ điểm điện tử thay cho học bạ giấy cũng giúp công khai minh bạch các thông tin, giúp hạn chế các tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Với quy mô hơn 880 cơ sở giáo dục, gần 380.000 học sinh, khoảng 10.100 cán bộ, giáo viên, nhân viên, thời gian tới, để thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư, bổ sung hạ tầng CNTT cho các trường học hướng đến đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
PV