Ngành Du lịch qua một năm thực hiện “ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”

23:21 21/02/2021

Nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 từ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ, trong khó khăn bộn bề, ngành Du lịch đã nỗ lực tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó .

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, với quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá tri di sản và bản sắc dân tôc. Phát triển du lịch đúng hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời phát triển du lịch quốc tế và du lịch nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa , phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. 

Du lịch hướng tới là ngành kinh tế mũi nhọn
Du lịch hướng tới là ngành kinh tế mũi nhọn. 

Với mục tiêu năm 2025 tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 1.700 – 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77-88 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12- 14% . Tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp tăng trưởng bình quân 12 -14%/năm.

Năm 2030 định hướng du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, Việt Nam trở thành điểm đến đặt biệt hấp dẫn, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 3.100 – 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 – 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 – 12%/ năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 – 17%, tạo ra khoảng 8.5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 – 9 %/ năm.

Theo các chuyên gia, các cơ hội sắp đến bao gồm việc đầu tư vào du lịch nội địa, các sản phẩm du lịch mới, nguồn nhân lực chất lượng cao, số hóa ngành du lịch và cơ sở hạ tầng để giúp Việt Nam tỏa sáng trong nước và trường quốc tế.

Năm 2020 kết thúc, ngành du lịch của thế giới và Việt Nam chịu tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm 1,1 tỷ lượt, tổng thu của ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 1,1 nghìn tỷ USD.

Ngành Du lịch quyết vượt qua khó khăn nhờ kiểm soát tốt covid19
Ngành Du lịch quyết vượt qua khó khăn nhờ kiểm soát tốt covid19. 

Riêng Việt Nam, Tổng cục Du lịch thống kê, năm 2020 do đại dịch Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7%, mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Không chỉ giảm doanh thu, đã có 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa, có thời điểm công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 10 -15%.

Nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 từ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ. Trong khó khăn bộn bề, ngành du lịch đã nỗ lực tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, người lao động trong ngành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để báo cáo Bộ VHTT&DL đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời trong khôi phục hoạt động kinh doanh .

Hải Minh