Ngành bất động sản cần làm gì trong kỷ nguyên cắt giảm lượng khí thải carbon?

11:32 28/09/2021

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt đã diễn ra trên khắp thế giới vào mùa hè này. Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang đến gần và sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sống con người. Tuy nhiên, sự thật là mối quan tâm về chi phí dường như luôn cao hơn so với tìm hiểu nguyên nhân gây ra khí thải carbon nhân tạo.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Getty Images)

Để đạt được những tham vọng về chính sách toàn cầu như đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015 sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo từ khu vực tư nhân, sự kết hợp đồng bộ giữa các công ty riêng lẻ với những cam kết mạnh mẽ về môi trường. Để thực hiện điều này, các doanh nghiệp cần có chính sách yêu cầu hợp tác của các bên liên quan ở mọi bước của chuỗi giá trị.

Đối với lĩnh vực bất động sản, mối quan tâm về chi phí dường như luôn cao hơn so với mong muốn tìm hiểu nguyên nhân gây ra lượng khí thải carbon nhân tạo. Trong nhiều năm, nhân loại đã chứng kiến những đợt nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khiến ngành bất động sản gặp rủi ro. Những thay đổi về kinh tế và vật chất đã ảnh hưởng đến sự biến động của ngành bảo hiểm cũng như tác động tiêu cực đến triển vọng đầu tư dài hạn và xây dựng.

Tuy nhiên, nhiều người trong ngành vẫn chưa thừa nhận rằng các tòa nhà chọc trời cũng phải chịu trách nhiệm về lượng carbon không kém lĩnh vực ô tô. Ngành bất động sản chiếm 49% lượng khí thải carbon toàn cầu khi tính đến hiệu suất xây dựng và công trình. Hầu hết các nỗ lực giảm thiểu carbon trong lĩnh vực xây dựng đều tập trung vào các nguồn năng lượng giữ cho các tòa nhà ở nhiệt độ lý tưởng, độ chiếu sáng, thông gió, tiêu thụ ít năng lượng nhất có thể. Trong khi những nỗ lực này thúc đẩy mục tiêu đưa các toà nhà tiến gần hơn mức phát thải ròng bằng không khi đi vào hoạt động, không thể bỏ qua vấn đề vật liệu xây dựng chiếm hơn một nửa tổng lượng khí thải carbon.

Do đó, cách tiếp cận thụ động cố hữu của ngành bất động sản không còn được chấp nhận. Khí thải carbon liên quan đến sản xuất, vận chuyển, xây dựng và thải bỏ vật liệu xây dựng cần phải trở thành ưu tiên của toàn bộ chuỗi giá trị ngành. Với các tòa nhà thương mại, các vật liệu bê tông và thép truyền thống nay kém sức hút hơn các kết cấu bằng gỗ khi các nhà phát triển đang nhận thức được tính linh hoạt và tính bền vững của vật liệu mới.

Tại Gensler, một công ty kiến ​​trúc và thiết kế toàn cầu, gần đây đã gửi thư cho các kỹ sư, nhà cung cấp, nhà cung cấp, ban lãnh đạo xây dựng và các bên thực hiện hợp đồng nói chung yêu cầu hợp tác trong việc định hình chính sách thay đổi chuỗi giá trị. Đầu năm 2022, Gensler sẽ tung ra các thông số kỹ thuật xanh mới tập trung vào giảm các vật liệu carbon cao, sử dụng các giải pháp kết cấu hiệu quả nhất để giảm khối lượng vật liệu, tìm nguồn cung ứng được chiết xuất và sản xuất tại địa phương, giảm thiểu chất thải. Các thông số kỹ thuật này sẽ được sử dụng cho tất cả các dự án của công ty. Gensler cho biết sẽ ưu tiên làm việc với các đối tác đáp ứng các thông số kỹ thuật trên và sử dụng các vật liệu giúp giảm đáng kể lượng khí thải liên quan đến xây dựng, chẳng hạn như bê tông có lượng carbon thấp, thép, gỗ nhiều lớp và các vật liệu thay thế hấp thụ thay vì thải ra carbon.

Nếu tất cả các bộ phận của hệ sinh thái bất động sản bao gồm kiến ​​trúc sư, chủ sở hữu, nhà phát triển, nhà đầu tư, xây dựng và nhà cung cấp vật liệu cùng hướng tới tham vọng phát thải bằng không, toàn ngành có thể tiết kiệm 10 tỷ tấn CO2 từ khí quyển, tương đương với loại bỏ gần 2,2 tỷ chiếc ô tô chạy bằng khí đốt trên đường trong cả năm.

Kỷ nguyên giảm lượng carbon trong vật liệu xây dựng này sẽ thay đổi quá trình phát triển xây dựng và bất động sản. Chúng ta đã bước vào một thời kỳ quan trọng đối với nhân loại. Các tuyên bố trung lập về carbon, các mục tiêu dựa trên khoa học và những lời hứa tại các diễn đàn quốc tế như hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vẫn chưa đủ. Hành động hữu hình và ngay lập tức là giải pháp duy nhất.

TL (theo CNN)