Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 khu vực Đông Á Thái Bình Dương

17:00 07/04/2022

Ngân hàng Thế giới mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 khu vực Đông Á Thái Bình Dương (bao gồm cả Trung Quốc) xuống mức 5% từ mức dự báo 5,4% trước đó vào tháng 10/2021 khi khu vực phải đổi phó với nhiều biến động tiêu cực mới.

Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 khu vực Đông Á Thái Bình Dương giảm do đại dịch, chiến tranh Nga – Ukraine và Mỹ tăng lãi suất (Ảnh minh họa: KT)
Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 khu vực Đông Á Thái Bình Dương giảm do đại dịch, chiến tranh Nga – Ukraine và Mỹ tăng lãi suất (Ảnh minh họa: KT).

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, lớn nhất khu vực Đông Á Thái Bình Dương – Trung Quốc đang phải đương đầu với nền kinh tế đã giảm tốc vì đại dịch. Vào ngày 4/4, sau khi Thượng Hải ghi nhận số nha nhiễm kỉ lục 13,086 ca dù đã siết chặt kiểm soát, Thượng Hải đã quyết định phong tỏa toàn thành phố. Trung Quốc hiện vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược Zero - Covid trong suốt hơn hai năm đại dịch bùng phát, bất chấp cái giá phải trả về kinh tế ngày càng tăng. Khoảng 23 thành phố của Trung Quốc hiện phải phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, với khoảng 198 triệu người bị ảnh hưởng. Các khu vực bị phong tỏa chiếm khoảng 13,6% GDP của Trung Quốc, theo công ty tài chính Nomura. Ngoài ra, Janet Yellen – bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ cũng thể hiện lo ngại khi nền kinh tế Trung Quốc cũng đã và đang giảm tốc do những vấn đề về ngành bất động sản – chiếm đến khoảng 30% GDP Trung Quốc. “Trung Quốc có lĩnh vực bất động sản với nhiều công ty đã vay nợ quá mức để phát triển, và chính phủ Trung Quốc đang phải cố gắng để đương đầu với hậu quả ấy” – bà nói khi bày tỏ quan điểm về Evergrande với khối nợ khổng lồ lên tới 300 tỷ USD đang trên bờ vực vỡ nợ và có thể kéo chìm ngành bất động sản cũng như nhiều ngân hàng liên quan ở Trung Quốc. Ngân hàng thế giới cũng đã hạ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 5% trong năm nay, mức giảm mạnh so với mốc tăng trưởng 8,1% vào 2021, đồng thời thấp hơn cả mức tăng trưởng mục tiêu 5,5% mà chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2022.

Ngân hàng thế giới cũng nhận định những nguy cơ mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt cũng ảnh hưởng đến các nước toàn khu vực Đông Á Thái Bình Dương, vốn có nhiều ngày càng nhiều hoạt động thương mại đến thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, căng thẳng quân sự Nga – Ukraine cũng là một yếu tố quan trọng để ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này xuống 5%. Các thị trường hàng hóa cơ bản toàn thế giới đã và đang tăng giá mạnh do thiếu hoặc đứt đoạn nguồn cung, khó khan trong việc lưu chuyển hàng hóa và các sức ép tài chính do trừng phạt kinh tế. Lạm phát thế giới ở mức cao và kéo dài sau các chính sách tiền tệ nới lỏng để đối phó đại dịch. Cụ thể, ngân hàng thế giới lấy một ví dụ rằng số người nghèo ở Philippines có thể tăng thêm 1,1 triệu người nếu giá ngũ cốc tăng 10% trong 2022, điều này hoàn toàn có thể khi Nga và Ukraine là 2 nước xuất khẩu chủ lực hàng hóa này.

Nền kinh tế số 1 thế giới, Mỹ cũng góp phần tạo nên áp lực giảm tăng trưởng kinh tế khu vực này khi bắt đầu các chính sách siết chặt tiền tệ. Việc FED tăng lãi suất cơ bản có thể dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển, đặt ra áp lực mất giá đối với đồng nội tệ của các nước này. Trong tình huống như vậy, các nền kinh tế đang phát triển có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn theo Mỹ, mất chủ động và gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, ngân hàng Đức Deutsche còn cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc suy thoái bắt đầu từ cuối năm 2023. Nhìn từ cuộc suy thoái kinh tế gần nhất vào năm 2008 ở Mỹ, cả thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi FED giảm tốc nền kinh tế một cách quá nhanh và mạnh.

Nguyễn Dũng