Ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Lãi suất ngân hàng ngày 18/2/2025: Nhiều biến động đáng chú ý |
Hiện nay, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, giao chỉ tiêu cho các địa phương và không ngừng thúc đẩy những giải pháp mạnh mẽ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành ngân hàng đã sẵn sàng đầu tư nguồn lực lớn cho chương trình này, với các gói vay ưu đãi lãi suất thấp, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.
![]() |
Ngành ngân hàng đang tập trung nguồn lực mạnh mẽ cho Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. |
Một trong những giải pháp mạnh mẽ là gói tín dụng 145.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. Nhiều ngân hàng, đặc biệt là Agribank, đã khẳng định cam kết hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, Agribank đã phê duyệt 13 dự án với tổng mức 3.350 tỷ đồng và đang tiếp cận thêm 5 dự án với số tiền dự kiến cấp tín dụng lên tới 2.500 tỷ đồng. Chính điều này cho thấy sự sẵn sàng của ngành ngân hàng trong việc cùng Chính phủ hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà.
Nhìn vào thực tế, các ngân hàng không chỉ chuẩn bị nguồn vốn mà còn kỳ vọng vào việc sửa đổi cơ chế với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, nhằm tạo ra tác động mạnh mẽ đến thị trường. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, cho rằng khi thủ tục đối với các dự án nhà ở xã hội được nới lỏng và cơ chế tín dụng được điều chỉnh hợp lý, dòng tiền vào phân khúc này sẽ gia tăng mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của toàn thị trường bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định, đây là sự thay đổi trong cơ cấu thị trường bất động sản. Khi các dự án nhà ở xã hội được triển khai mạnh mẽ, phân khúc cao cấp sẽ suy giảm vì sức cầu sẽ chuyển hướng về những sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Cũng là bước đi quan trọng trong việc điều chỉnh giá bất động sản, tránh tình trạng tăng giá không bền vững.
![]() |
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Đặc biệt, gói tín dụng ưu đãi này không chỉ hướng đến các chủ đầu tư mà còn giúp người mua nhà, đặc biệt là đối tượng trẻ dưới 35 tuổi, có cơ hội tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn. Chính phủ đang nghiên cứu các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho đối tượng này, nhằm hỗ trợ họ có thể sở hữu nhà ở xã hội với mức giá hợp lý. Điều này là cần thiết vì thị trường bất động sản đang trở nên quá đắt đỏ đối với những người trẻ có thu nhập trung bình và thấp.
TS. Nguyễn Quốc Hùng còn khẳng định, việc dòng vốn ngân hàng được "nắn" vào nhà ở xã hội là một tín hiệu tích cực.
“Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở mà còn tạo ra sự ổn định cho thị trường. Nếu cơ chế tín dụng được sửa đổi, hiệu quả của gói 145.000 tỷ đồng sẽ tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây, khi mà tác động đến thị trường rất lớn, tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ”, ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Toàn Vượng, để Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội thành công, các địa phương cũng cần nỗ lực trong việc triển khai và hoàn thiện chương trình phát triển nhà ở xã hội. Ngoài việc hoàn thành thủ tục, các địa phương cần công khai, giới thiệu quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia.
Ngoài tín dụng ngân hàng, các nguồn lực khác cũng cần được huy động để đảm bảo sự thành công của Đề án này. Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành các văn bản pháp lý phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội. Điều này sẽ giúp việc giải phóng nguồn cung, tạo dư địa cho tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng là sự minh bạch và rõ ràng trong các cơ chế chính sách. Theo ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc sửa đổi các văn bản pháp lý như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đã giúp cải thiện nguồn cung các dự án nhà ở xã hội. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng các ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản ngần ngại tham gia.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức lợi nhuận khống chế trong việc đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội. Mức lợi nhuận 10% hiện nay chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này, mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội đang rất lớn. Việc nới lỏng quy định về lợi nhuận có thể sẽ giúp giải quyết bài toán nguồn cung, góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện Đề án.