Một số quyền của các bên trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Luật trọng tài Việt Nam

20:29 13/06/2021

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM). Do đề cao quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt của các bên, minh bạch, linh hoạt, thân thiện, nhanh chóng, đảm bảo bí mật cho các bên tranh chấp nên phương thức giải quyết tranh chấp này ngày càng được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.

Việc hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo cho việc doanh nghiệp lựa chọn giải quyết bằng phương thức trọng tài được hiệu quả. Bài viết này đề cập về một số quyền của các bên trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

 

Quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt của các bên xuyên suốt, chi phối trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp bằng tố tụng trọng tài, được thể hiện trong LTTTM và/hoặc trong quy tắc tố tụng trọng tài của các trung tâm trọng tài. Cụm từ “do các bên thỏa thuận”, “nếu các bên thỏa thuận”, “do các bên lựa chọn”, “trường hợp các bên đã có thỏa thuận”, “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”...xuất hiện trong nhiều điều khoản của LTTTM. Theo đó, các bên có quyền thỏa thuận về việc lập thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi xảy tranh chấp, lựa chọn trọng tài viên, thay đổi trọng tài viên, thành phần hội đồng trọng tài, hình thức trọng tài (quy chế hoặc vụ việc), ngôn ngữ, địa điểm, luật áp dụng trong trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài, phiên họp giải quyết tranh chấp, thành phần thủ tục phiên họp giải quyết tranh chấp…. Khoản 1 Điều 4 LTTTM quy định rõ: “Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội”. Điều 6 LTTTM quy định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.

Để được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trước hết các bên phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được. Theo đó, cần lưu ý một số nội dung sau: (1) Đối tượng giải quyết của thỏa thuận trọng tài là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, hoặc tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài; (2) Người xác lập thỏa thuận trọng tài phải có đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 điều 12 Luật doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Do đó để đảm bảo đủ thẩm quyền, thỏa thuận trọng tài phải do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền hợp pháp xác lập; (3) Thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản, có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Ngoài ra, còn có các hình thức thỏa thuận cũng được coi là xác lập bằng văn bản đã được quy định tại khoản 2 điều 16 LTTTM; (4) Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, về việc giải quyết bằng trọng tài đối với tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Tuy nhiên các bên nên xác lập thỏa thuận trọng tài ngay từ khi xác lập giao dịch, hợp đồng, nhằm tránh trường hợp các bên không thể xác lập thỏa thuận trọng tài được sau khi xảy ra tranh chấp, nói cách khác là không được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khi không có thỏa thuận trọng tài, hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được; (5) Xem xét áp dụng điều khoản trọng tài mẫu của các trung tâm trọng tài, nhằm tránh thỏa thuận trọng tài không thực hiện được. Khoản 5 điều 43 LTTTM quy định: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không ghi rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”; (6) Nhận diện và loại bỏ sáu trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 18 LTTTM khi xác lập thỏa thuận trọng tài; (7) Thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài (điều 19 LTTTM). Tuy nhiên, ngay từ khi đàm phán, giao kết hợp đồng, giao dịch theo hợp đồng phải hợp pháp, không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội, nhằm tránh phán quyết trọng tài bị hủy trong trường hợp hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp đối với giao dịch vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội”; (8) Tố tụng trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia tố tụng trọng tài với tư cách là nguyên đơn, bị đơn. Tố tụng trọng tài không có đương sự là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy thỏa thuận trọng tài không được quy định việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đối với bên thứ ba.

Bên cạnh quyền khởi kiện, quyền rút đơn khởi kiện, nguyên đơn còn có quyền sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, bị đơn bên cạnh quyền tự bảo vệ, quyền kiện lại, còn có quyền sửa đổi bổ sung đơn kiện lại, bản tự bảo vệ. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu thấy rằng việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp (khoản 2 điều 37 LTTTM).

Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành (Khoản 5 Điều 61 LTTTM), nhưng một bên có quyền: (1) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết, một bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài ra phán quyết bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi trong phán quyết và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Nếu Hội đồng trọng tài cho rằng yêu cầu này là chính đáng thì ra phán quyết bổ sung trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hoặc (2) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 điều 68 LTTTM, thì có quyền có đơn gửi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có nghĩa vụ chứng minh, trừ trường hợp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo điểm đ khoản 2 điều 68.

Quyền tự định đoạt vẫn được tiến hành ngay cả khi Hội đồng (của Tòa án có thẩm quyền ) xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời gian xem xét đơn, khi có yêu cầu của một bên, có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục thiếu sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài.

Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới