Liên quan đến vụ kiện hành chính giữa Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng (nay là Công ty TNHH Hyundai Window) với người bị kiện là Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý vụ kiện và sẽ đưa ra xét xử trong những ngày gần đây. Về nội dung vụ kiện, Công ty TNHH Hyundai Window khởi kiện đối với Quyết định 4561/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ do Cục trưởng Đinh Hữu Phí ký, văn bản này có nội dung hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 216263 đã cấp ngày 10/12/2013 cho Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng (tức Công ty TNHH Hyundai Window). Lý do khởi kiện được Công ty TNHH Hyundai Window đưa ra là nhãn hiệu HYUNDAIWINDOW của nguyên đơn đã được Cục Bản quyền tác giả- Bộ Văn hóa Thông tin cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả số 2822/2013/QTG ngày 29/7/2013, được chính Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 216263 năm 2013, gia hạn đến ngày 29/4/2030. Chỉ vì thông tin ‘vu vơ” từ phía Công ty Hyundai Aluminum Vina mà Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký Quyết định 4561/QĐ-SHTT hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 216263 đã có hiệu lực năm 2013.
Quyết định có dấu hiệu áp dụng sai lầm pháp luật
Theo tài liệu phóng viên có được, ngày 10/11/2017 Công ty Cổ phần Huyndai Aluminum Vina, đại diện bởi Công ty TNHH Tầm nhìn và Liên danh, có đơn số DDN1-2017-00271 gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 216263 đối với nhãn hiệu “HYUNDAIWINDOW” mà Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng (tức Công ty TNHH Hyundai Window) đã đăng ký. Do có đề nghị này của Công ty cổ phần Huyndai Aluminum Vina, ngày 15/10/2021 Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 4561/QĐ-SHTT có nội dung “hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH số 216263… bảo hộ nhãn hiệu “HYUNDAIWINDOW” đối với các sản phẩm… của Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng”
Quyết định 4651/QĐ-SHTT do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ- Đinh Hữu Phí ký bị doanh nghiệp khởi kiện ra tòa.
Tại phần nhận định đánh giá (trang 7, dòng 12 dòng 13 từ dưới lên) của Quyết định số 4561/QĐ-SHTT có đoạn “Bên cạnh đó, việc đăng ký nhãn hiệu “HYUNDAIWINDOW” của Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng cũng bị Công ty cổ phần Huyndai Aluminum Vina phản đối khi công ty này nộp đơn đề nghị hiệu lực GCNĐKNH số 216263”. Thực tế, Công ty cổ phần Huyndai Aluminum Vina đề nghị ngày 10/11/2017, trong khi đó hồ sơ xin bảo hộ nhãn hiệu của Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng nộp từ 29/4/2010, đến năm 2013 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chúng nhận đăng ký nhãn hiệu số 216263, tức là phản đối của Công ty cổ phần Huyndai Aluminum Vina có sau 4 năm. Nếu Công ty cổ phần Huyndai Aluminum Vina phản đối tại thời điểm Cục Sở hữu trí tuệ đang xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng (từ 24/4/2010 đến 2013) thì có thể áp dụng điều kiện “Công ty cổ phần Huyndai Aluminum Vina phản đối ”. Việc “phản đối” ngoài khoảng thời gian xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhưng lại được Cục Sở hữu trí tuệ áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là có dấu hiệu thiếu cơ sở khách quan.
Không chỉ có vậy, Điều 112 Luật sở hữu trí tuệ 2005 còn quy định cụ thể về thời hạn phản đối như sau“Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó”. Đối chiếu với diễn biến thực tế, không có căn cứ nào cho rằng quá trình đăng công báo đến ngày ra Quyết định bảo hộ (Quyết định số 4561/QĐ-SHTT), Cục Sở hữu trí tuệ nhận được sự phản đối của bất cứ bên thứ ba nào.
Như vậy, nội dung “Công ty cổ phần Huyndai Aluminum Vina phản đối khi công ty này nộp đơn đề nghị hiệu lực GCNĐKNH só 216263” trong Quyết định 4561/QĐ-SHTT là có dấu hiệu sai lầm trong áp dụng pháp luật.
Quyết định nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ không chỉ gặp phải sự phản đối của đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu HYUNDAIWINDOW do những “uẩn khúc” nêu trên mà dường như vẫn còn những sai sót “đáng kể” khiến người đọc không thể đồng tình. Cụ thể như sau:
Trong toàn bộ nội dung Quyết định 213263/ QĐ-SHTT, có năm lần sử dụng cụm ký tự “GCNĐKNH”, nhưng trước khi sử dụng cụm ký tự này, không hề có giải thích cụm ký tự này có ý nghĩa như thế nào hay viết tắt từ cụm từ nào? Việc thiếu giải thích này khiến văn bản trở nên khó hiểu. Đáng chú ý, Điều 1 của phần Quyết định ghi “Hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH số 216263, cấp ngày 10/12/2013 bản hộ nhãn hiệu “HYUNDAIWINDOW”, đây là nội dung quan trọng nhất của văn bản này, nhưng cụm ký tự GCNĐKNH làm cho người đọc thấy mơ hồ và ngạc nhiên trước cách sử dụng từ ngữ chưa khoa học và thiếu mạch lạc trong văn bàn hành chính này của cơ quan Sở hữu trí tuệ (?)
Đáng chú ý, Quyết định số 4561/QĐ-SHTT có tiêu đề “Quyết định về việc giải quyết đề nghị hủy bỏ hiệu lực của Công ty cổ phần Hyundai Aluminum Vina”. Với tiêu đề này, người đọc sẽ hiểu là Cục Sở hữu trí tuệ quyết định hủy bỏ hiệu lực của Công ty Cổ phần Hyundai Aluminum Vina theo đề nghị (của ai đó). Trong khi đó, nội dung Quyết định này lại là giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Hyundai Aluminum Vina về việc hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 216263 đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Hải Phòng. Do thiếu thành phần trong câu nên giữa tiêu đề và nội dung văn bản lại mâu thuẫn nhau. Nêú tiêu đề quyết định là “Quyết định về việc giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần Hyundai Aluminum Vina về hủy bỏ hiệu lực đối với Quyết định 213263/QĐ-SHTT” sẽ làm cho văn bản này khoa học và trí tuệ hơn.
Thiết nghĩ, để đảm bảo công bằng và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần sự thận trọng, khách quan của Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ khoa học và Công nghệ, tránh những lỗi bị coi là chưa “khoa học” ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh, gây lo ngại cho các doanh nghiệp có nhãn hiệu đã được cấp bảo hộ đối với nhãn hiệu. Trong vụ án này, việc Cục Sở hữu trí tuệ quyết định hủy hiệu lực của chứng thư pháp lý đã cấp gần 10 năm nhằm bảo vệ cho bên thứ 3 chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu rất cần sự phán quyết sáng suốt, công tâm của cơ quan Tòa án.
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin về vu việc.
Điều 112 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ:
Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh
Thúy Hà