Theo thống kê mới nhất từ GFK tháng 2/2020, thị phần di động Việt đã có sự thay đổi đáng kể ở vị trí top 3 trở xuống. Trong đó, cái tên đáng chú ý nhất vẫn là Apple bất ngờ mất vị trí top sau nhiều tháng vươn lên mạnh mẽ khi iPhone 11 Pro Max lên kệ.
Tính gần nhất từ tháng 11 năm ngoái đến nay, từ mức 9,5% thị phần, Apple đã rơi xuống từng tháng xuống mức 8,3% thị phần của tháng 12/2019, xuống 7,4% thị phần của tháng 1/2020 và đến tháng 2/2020 thị phần chỉ còn 6,8%. Qua đó đánh mất vị trí thứ 3 vào tay đối thủ. Đặc biệt hơn, Apple mất top 3 thị phần và tụt xuống đến 2 bậc, đứng vị trí thứ 5 do số thị phần còn lại đang thua Vivo, hiện năm 7,0% thị phần (đứng vị trí thứ 4).
Cũng trong báo cáo của GFK, trong tháng 2/2020, Samsung vẫn tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng và thị phần tăng nhẹ từ 35.3% thị phần lên 36,1%. Oppo có tháng sụt giảm nhẹ xuống còn 22,5% của tháng 2 trong khi tháng 1 là 23,5% thị phần. Ở các thương hiệu từ top 4 trở xuống hầu như đều sụt giảm thị phần. Xiaomi sau nhiều tháng tăng trưởng tốt trong năm ngoái đã dần đánh mất thị phần và liên tục sụt giảm. So với tháng 1, Xiaomi đã giảm từ 6,4% thị phần xuống còn 5,7%. Tương tự Realme cũng sụt giảm từ 7,6% thị phần xuống còn 6,5% thị phần. Vivo từ 7,4% thị phần xuống còn 7% thị phần.
Điều bất ngờ nhất top 3 thị phần di động Việt không phải là cuộc cạnh tranh của Xiaomi, Vivo hay thậm chí là Realme như năm ngoái mà là sự xuất hiện của thương hiệu Việt VinSmart. Tính đến hết tháng 2 năm nay, Vsmart tăng trưởng mạnh và hiện đã nắm giữ 11,2% thị phần di động Việt Nam. Xếp sau Samsung đang giữ vị trí dẫn đầu với 36,1% thị phần và Oppo là 22,5% thị phần.
VinSmart đã có những tháng tăng trưởng mạnh, chỉ tính riêng tháng 1/2020, hãng này đã chiếm 7,7% thị phần và tháng 2/2020 tăng mạnh lên 11,2% thị phần. Dựa vào bảng thống kê tuần cuối tháng 3/2020 của GfK, sau bảy tuần liên tiếp tăng trưởng hai con số, điện thoại Vsmart của Công ty VinSmart đã chính thức đạt 16.7% thị phần, gia nhập nhóm ba thương hiệu có thị phần trên 15%; đồng thời giữ vững ở khoảng cách xa so với nhóm thương hiệu còn lại. Có thể nói mức tăng trưởng này đã xác lập kỷ lục tăng trưởng chưa từng có trên thị trường chỉ sau 15 tháng ra mắt.
Việc tăng trưởng mạnh mẽ của VinSmart trên thị trường đến từ những thay đổi lớn trong chiến lược sản phẩm mà Dân trí từng phân tích. Hãng này chủ động điều chỉnh giá bán smartphone, giảm giá điện thoại phù hợp túi tiền người dùng cùng nhiều chiến lược bình dân hóa smartphone.
Một nhà bán lẻ từng nhận định rằng, động thái của Vsmart thực tế chẳng mang lại bất cứ lợi nhuận nào hãng này và thậm chí ảnh hưởng đến danh tiếng và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, nhìn xa hơn có thể thấy đây là chiến lược dài hơi và mục tiêu chính là phổ cập điện thoại, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế. Và nhiều khả năng, thời gian tới, người dùng sẽ thấy Vsmart ở nhiều phân khúc giá thấp và tầm trung hơn.
Và với những con số mới đây cho thấy, chiến lược mới đang đem lại hiệu quả tích cực cho thương hiệu này trên thị trường. GfK cũng ghi nhận, smartphone Vsmart chiếm ưu thế vượt trội trong phân khúc điện thoại phổ thông, có giá từ 1-3 triệu đồng. Trong đó, mẫu điện thoại Vsmart Joy 3 là nhân tố tăng trưởng đột phá, với kỷ lục bán ra đạt 12.000 máy trong vòng 14h đầu ra mắt. Tính đến hết tháng 3/2020, Vsmart Joy 3 (phiên bản 2GB và 3GB RAM) đã lọt vào nhóm 3 sản phẩm bán chạy nhất phân khúc 2-3 triệu, mang về 13,3% thị phần cho VinSmart.
Anh Vũ