Ông Kevin O'Leary (bên trái), một trong những "cá mập" của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank và tỷ phú Frank McCourt (phải) muốn mua lại TikTok ở Mỹ. Ảnh: CNN |
Chỉ 10 ngày trước khi lệnh cấm TikTok của Mỹ có hiệu lực, tổ chức phi lợi nhuận Project Liberty của tỷ phú Frank McCourt đã ngỏ lời mua lại nền tảng mạng xã hội này từ công ty công nghệ Trung Quốc, ByteDance vào hôm qua (9/1).
Nếu chiến dịch trả giá thành công, Project Liberty và các đối tác, được gọi là "The People's Bid for TikTok", sẽ tái cấu trúc ứng dụng để tồn tại trên một nền tảng do người Mỹ sở hữu và ưu tiên sự an toàn kỹ thuật số đối với người dùng.
"Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất cho ByteDance để hiện thực hóa tầm nhìn của Project Liberty về một TikTok được tái thiết - một TikTok được xây dựng trên một nền tảng công nghệ do người Mỹ sản xuất, đặt con người lên hàng đầu", ông McCourt, người sáng lập Project Liberty, cho biết.
"Bằng cách duy trì nền tảng mà không phụ thuộc vào thuật toán TikTok hiện tại và tránh lệnh cấm, hàng triệu người Mỹ có thể tiếp tục tận hưởng ứng dụng này", ông McCourt nói thêm.
Cùng với tỷ phú Frank McCourt, ông Kevin O'Leary, một trong những "cá mập" của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank, cho biết ông cũng tham gia nhóm "The People's Bid for TikTok"
“Cùng với ông Frank, chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp một nền tảng do người Mỹ sở hữu, bảo vệ an ninh quốc gia. Tôi tin tưởng rằng tầm nhìn chung của chúng tôi, kết hợp với sự nhạy bén trong kinh doanh của Tổng thống đắc cử Donald Trump, sẽ dẫn đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi người”, ông Kevin O'Leary cho biết trong một tuyên bố.
Trước đây, ông Kevin O'Leary (người Canada) đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với các nhà đầu tư khác để mua TikTok ở Mỹ, khởi động một nỗ lực gây quỹ cộng đồng hiện sẽ được đưa vào People's Bid for TikTok. Dự án The People's Bid for TikTok đã đảm bảo được sự hỗ trợ từ ngân hàng đầu tư Guggenheim Securities và Kirkland & Ellis (một trong những công ty luật lớn nhất thế giới).
“Ông Kevin là người ủng hộ không ngừng nghỉ quyền sở hữu mới của TikTok vì ông hiểu được cơ hội to lớn mà việc mua lại nền tảng này mang đến cho các nhà đầu tư, hàng triệu người sáng tạo dựa vào TikTok để kiếm sống và những người Mỹ bình thường yêu thích nền tảng này. Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng công nghệ hoàn toàn mới, do người Mỹ sản xuất và tiếp tục là nhà thầu khả thi duy nhất có thể cung cấp quá trình chuyển đổi liền mạch cho mọi người trên TikTok mà không cần thuật toán hiện có”, tỷ phú Frank McCourt tuyên bố.
Ông Frank McCourt cho biết nỗ lực “kết hợp của cả hai sẽ mang lại một động lực đáng kể” cho thương vụ, nhưng không cung cấp các con số tài chính.
Nhưng đề xuất này có thể gặp phải một vấn đề lớn: Công ty mẹ Tiktok - ByteDance đã nhiều lần tuyên bố TikTok không phải để bán.
Tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua dự luật yêu cầu ByteDance phải bán TikTok để tránh nguy cơ bị cấm tại Mỹ. Các cơ quan tình báo đã cảnh báo rằng TikTok có thể trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia. CEO TikTok Shou Zi Chew phản đối, cho rằng những lo ngại này chỉ mang tính suy đoán.
Lệnh cấm dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/1/2025. Nếu ByteDance không tuân thủ, các công ty như Apple, Google và nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ bị yêu cầu ngừng hỗ trợ TikTok, dẫn đến việc nền tảng này không thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
ByteDance tuyên bố rằng họ không thể và sẽ không bán lại hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng phản đối việc bán TikTok, với mong muốn duy trì quyền kiểm soát thuật toán độc quyền và mã nguồn của nền tảng này tại Trung Quốc.
Ra mắt tại Mỹ từ năm 2018, TikTok nhanh chóng bùng nổ, đặc biệt thu hút thế hệ Gen Z. Theo khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, TikTok hiện là nền tảng mạng xã hội phổ biến thứ năm tại Mỹ trong nhóm người trưởng thành và là nguồn tin tức chính với giới trẻ.
Nếu TikTok bị loại khỏi thị trường Mỹ, đây sẽ là bước ngoặt lớn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị về kiểm soát truyền thông Internet và dữ liệu người dùng. Trong khi Trung Quốc chặn các nền tảng như Gmail, Google, YouTube, Facebook, Instagram và X, Mỹ chưa từng áp dụng lệnh cấm đối với một mạng xã hội lớn như TikTok.