Microsoft tố Google hạ uy tín công ty tại châu Âu bằng chiến dịch ngầm |
Microsoft vừa có một động thái khác thường khi cáo buộc Google đã thực hiện những chiến dịch ngầm tại châu Âu nhằm hạ uy tín trước các nhà quản lý.
Cụ thể, trong bài blog đăng ngày 28/10, luật sư Rima Alaily của Microsoft tố cáo Google đã thuê DGA Group - một công ty vận động hành lang và truyền thông để thành lập và vận hành liên minh đám mây mở có sự tham gia của một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây nhỏ.
Mục đích của tổ chức này là “làm mất uy tín của Microsoft với các nhà quản lý cạnh tranh, nhà hoạch định chính sách và đánh lừa công chúng”.
Theo luật sư Alaily, một công ty đám mây từ chối tham gia liên minh tiết lộ, liên minh sẽ được Google hỗ trợ tài chính và chỉ trích các hành vi của Microsoft tại châu Âu.
Theo tài liệu quảng cáo của liên minh đám mây mở, tổ chức được thành lập để “ủng hộ một ngành công nghiệp dịch vụ đám mây công bằng, cạnh tranh và cởi mở tại Vương quốc Anh và EU".
Trong email phản hồi CNBC, người phát ngôn Microsoft cho biết, hãng và nhiều người khác “tin rằng các hành vi phản cạnh tranh của Google khóa chân khách hàng và tạo ra hiệu ứng tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh mạng, đổi mới sáng tạo và lựa chọn”.
Cuộc tranh cãi này mở ra xung đột mới giữa hai công ty đang cạnh tranh trong lĩnh vực hạ tầng đám mây, cũng như quảng cáo trực tuyến và phần mềm công việc. Trong khi đó, Google đang đối mặt với áp lực từ các cơ quan quản lý tại châu Âu và Mỹ, nơi công ty đang trong quá trình xét xử chống độc quyền lần thứ hai do Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện.
Vào tháng 9, Google cho biết, họ đã nộp đơn khiếu nại chống lại Microsoft lên Ủy ban Châu Âu, cáo buộc các hành vi không công bằng liên quan đến việc cấp phép hệ điều hành Windows Server.
Microsoft ghi trên trang web của mình rằng khách hàng có thể tiết kiệm trung bình 36% khi sử dụng Windows Server trên đám mây của Microsoft thay vì trên Amazon Web Services. Hiện, Amazon đang dẫn đầu thị trường hạ tầng đám mây so với Microsoft và Google.
Bà Rima nhận định rằng, Google đã có xu hướng nhắm đến Microsoft. Công ty này đã tài trợ cho Liên minh Cấp phép Phần mềm Công bằng, yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ điều tra Microsoft vào năm 2023.
Đồng thời, bà cũng cho biết, Google đã đề nghị khoảng 500 triệu USD cho các thành viên của nhóm các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng đám mây ở châu Âu, nếu họ từ chối một thỏa thuận chống độc quyền liên quan đến Microsoft. Vụ việc cuối cùng đã được giải quyết vào tháng 7.
Trong hai thập kỷ qua, hai tập đoàn công nghệ khổng lồ này đã liên tục đấu tranh giành quyền thống trị trong các công nghệ từ tìm kiếm trực tuyến và điện toán đám mây đến thị trường hệ điều hành, phần mềm trò chơi, quảng cáo trực tuyến và hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI).
Bất hòa bắt đầu vào những năm 2000 sau khi Microsoft giải quyết một vụ kiện chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, cáo buộc công ty này đã loại bỏ các đối thủ bằng cách cung cấp trình duyệt miễn phí và mặc định trên hệ điều hành Windows.
Một thỏa thuận năm 2002 đã mở ra cánh cửa cho sự cạnh tranh rộng lớn hơn trên thị trường phần mềm trình duyệt internet và tạo cơ hội cho Google, khi đó chỉ mới là một công ty khởi nghiệp và sau đó bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc.
Vào năm 2011, Microsoft đã đưa ra một loạt video chế giễu Google rằng dịch vụ Gmail, trình duyệt Chrome và phần mềm đi kèm của Google thiếu chất lượng và quyền riêng tư.
Năm 2016, hai công ty này đã ký “thỏa thuận ngừng bắn” với mục đích chấm dứt các khiếu nại về quy định chống lại nhau trên toàn cầu khi hai CEO mới là Sundar Pichai của Google và Satya Nadella của Microsoft lên nắm quyền.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã kết thúc vào năm 2021 khi các cơ quan quản lý tại Mỹ và EU tăng cường gây áp lực lên cả hai công ty và Microsoft phàn nàn rằng Google đã sử dụng các chiến thuật không công bằng để cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.