Microsoft thâu tóm thành công Activision Blizzard với mức giá gần 69 tỷ USD

22:08 15/10/2023

Microsoft đã chính thức kết thúc quá trình mua lại nhà sản xuất game Activision Blizzard với giá khoảng 68,7 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sau 21 tháng đầy gian truân, thỏa thuận với Activision Blizzard và nỗ lực của gã khổng lồ Redmond đã sinh trái ngọt.

Theo Gaming Bolt, Microsoft đã chính thức chào đón Activision Blizzard đến với họ sau khi Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh chấp thuận thương vụ của công ty ở Vương quốc Anh. Thời hạn ban đầu cho quyết định là ngày 18.10 và trị giá của thỏa thuận là 68,7 tỉ USD. 

Microsoft bắt đầu kế hoạch thâu tóm từ năm 2022. Kế hoạch của Microsoft được sự chấp thuận từ nhiều khu vực pháp lý, bao gồm Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh (CMA) đã phản đối thương vụ này, lo ngại vụ sáp nhập sẽ giúp nhà sản xuất Xbox sẽ thống trị thị trường game đám mây khi nắm trong tay quyền tiếp cận độc quyền vào các trò chơi của Activision - đặc biệt là Call of Duty - khiến các công ty sản xuất máy chơi điện tử khác như Nintendo và Sony bị ảnh hưởng.

Dù vậy, phía Microsoft lập luận rằng, việc độc quyền các trò chơi của Activision "không có ý nghĩa chiến lược”, và việc cấp phép trên mọi nền tảng sẽ có lợi về kinh tế hơn. Để giải quyết những lo ngại của FTC và CMA, Microsoft đã điều chỉnh một số nội dung trong thỏa thuận theo yêu cầu của các nhà quản lý, đồng ý cấp phép tựa trò chơi bom tấn "Call of Duty" cho các đối thủ. 

Do đó, lo ngại của FTC và CMA được giải quyết, dẫn đến việc cơ quan quản lý chấp thuận giao dịch.

Theo Phil Spencer, CEO Microsoft Gaming – người sẽ giám sát việc kinh doanh của Activision, việc mua lại hãng game là một cách để Microsoft đột phá vào thị trường game di động hơn 90 tỷ USD. Activision sản xuất nhiều tựa game nổi tiếng như Candy Crush Saga, Call of Duty: Mobile. Thương vụ thành công mang về cho Microsoft danh mục nhượng quyền của hàng loạt trò chơi nổi tiếng như Call of Duty, Diablo, Overwatch, StarCraft, WarCraft, Candy Crush Saga...

Sau khi hoàn thành, các studio như Treyarch, Infinity Ward, Blizzard Entertainment, King và nhiều nhà phát triển khác cũng sẽ là một phần của Xbox.

Trong một bài đăng trên Xbox Wire, CEO Phil Spencer cho biết: "Là một nhóm, chúng tôi sẽ học hỏi, đổi mới và tiếp tục thực hiện lời hứa mang lại niềm vui và cộng đồng game cho nhiều người hơn".

"Cùng nhau, chúng tôi sẽ tạo ra những thế giới và câu chuyện mới, đưa những trò chơi yêu thích của bạn đến nhiều nơi hơn, để nhiều người chơi hơn có thể tham gia. Đồng thời chúng tôi sẽ tương tác và làm hài lòng người chơi theo những cách mới, sáng tạo ở những nơi họ thích trải nghiệm, trong đó có cả thiết bị di động, trò chơi trên đám mây và hơn thế nữa".

Microsoft đang đặt mục tiêu trở thành Netflix về trò chơi điện tử với nền tảng trực tuyến Game Pass cho phép người dùng tải game về chơi thông qua điện toán đám mây.

Các công ty phát triển trò chơi điện tử đang cạnh tranh quyết liệt giành thị phần trong ngành công nghiệp ước tính trị giá 300 tỷ USD này. Một loạt vụ mua lại được thực hiện để chỉ còn  4 "ông lớn" gồm Tencent của Trung Quốc, Sony và Nintendo của Nhật Bản và Microsoft của Mỹ. Ngoài ra, một ít công ty độc lập như Take-Two của Mỹ, Sega, Electonic Arts và Ubisoft, đều có trị giá nhiều tỷ USD.

Thu Hà (t/h)

Tags: