"Make in Viet Nam" để làm chủ công nghệ và trở nên cường thịnh

21:13 23/12/2020

Năm 2021 được hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Vietnam.

Thực hiện chiến lược “Make in Vietnam"

"Make in Vietnam" là một cách chơi chữ so với cụm từ “Made in Viet Nam” nhằm nhấn mạnh vào sự chủ động sáng tạo, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao của người Việt.

Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc khi đọc dòng chữ “Make in Vietnam”. Đây là slogan được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tạo ra với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Do đó, có rất nhiều thông điệp được ẩn giấu trong slogan này. 

Nếu “Made in Vietnam" gắn liền với nội hàm chỉ nơi xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, thuế quan, xuất nhập khẩu thì slogan “Make in Vietnam" do Bộ TT&TT khởi xướng lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác. “Make in Vietnam” là thuật ngữ nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. 

Thông qua chiến lược “Make in Vietnam
Thông qua chiến lược “Make in Vietnam", Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Giống với ý nghĩa của cụm từ này, “Made in Vietnam” không quan tâm tới công nghệ được nhập khẩu từ đâu, việc sản xuất là lắp ráp hay nghiên cứu chế tạo, miễn các giá trị đó sản sinh tại Việt Nam càng nhiều càng tốt. Còn với “Make in Vietnam", Bộ TT&TT muốn có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.

Khi thực hiện chiến lược “Make in Vietnam", các doanh nghiệp sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy phát huy động trí tuệ Việt Nam, giải quyết được bài toán Việt Nam. Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế cũng sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.

Thông qua chiến lược “Make in Vietnam", Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cách làm này sẽ giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. 

Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mới đây, ngay những lời đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: "Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Một năm sau khi thực hiện chiến lược, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. "Đây là con số kỷ lục! Những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được giương cao. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông, Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19 suốt gần một năm qua: "Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này".

Lợi thế của "Make in Viet Nam"

"Thị trường 100 triệu dân trong nước là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam bởi không ai hiểu người Việt, nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số cần chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Một lợi thế khác của "Make in Viet Nam" là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê module hay các sản phẩm trọn vẹn, từ đó có thể nhanh chóng chuyển đổi từ gia công sang sản xuất và làm chủ công nghệ.

Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Nhân tài có đặc tính là toàn cầu. Lãnh đạo Việt Nam khẳng định sẽ tạo điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox. "Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn. Những ‘đặc khu công nghệ’, ‘đặc khu đổi mới sáng tạo’ với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ có thể được chính phủ xem xét", ông Hùng thông tin.

Nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng lời hiệu triệu
Nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng lời hiệu triệu "Make in Vietnam" của Bộ TT&TT. Ảnh: Vietnamnet.

Một trụ cột khác của "Make in Viet Nam" là các doanh nghiệp lớn trong nước tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ, như Viettel, Vingroup, VNPT, VNG, FPT... Các doanh nghiệp này đã có những thành công nhất định trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bất động sản, tài chính với quy mô thị trường lớn, có nguồn lực tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp và định hướng phát triển nghệ nghệ.

Tỉ lệ nội địa hóa, làm chủ liên tục gia tăng

Make in Vietnam trong ngành an toàn, an ninh mạng thể hiện rõ nhất qua việc sáng tạo, sản xuất và nội địa hóa hệ sinh thái của ngành này. Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), vào năm 2015 tỉ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa mới chỉ đạt 5%. Đến năm 2019, tỉ lệ này tăng lên 55%. Tuy nhiên sang năm 2020, chỉ trong vòng một năm tỉ lệ này đã được thúc đẩy tăng lên 91%.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Và theo dự kiến đến đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100%.

Khái niệm nội địa hóa có tính chất thay thế dần từng phần. Tuy nhiên, với khái niệm làm chủ công nghệ, cho thấy mức độ thay thế toàn phần và toàn diện hơn. Đó là thay thế hoàn toàn cho những sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn an ninh mạng vốn trước đây phải phụ thuộc các nhà cung cấp nước ngoài chứ không chỉ từng phần với một số những linh kiện, bộ phận hay một phần dịch vụ được chuyển giao, thuê mướn từ nước ngoài.

Làm chủ công nghệ, vươn ra thị trường nước ngoài

Tại một sự kiện về an toàn, an ninh thông tin, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, an toàn thông tin mạng là yếu tố mang tính điều kiện then chốt và tiên quyết để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số. Mục tiêu phát triển kép được đặt ra là làm chủ công nghệ, giải pháp, sản phẩm an toàn, an ninh mạng trong nước từ đó vươn ra thị trường toàn cầu.

An toàn, an ninh mạng là một trong số ít ngành thuộc lĩnh vực CNTT mà Việt Nam đã làm chủ công nghệ từ nhiều năm về trước, với các phần mềm bảo mật một thời như D2 (hay còn gọi là D32), Bkav, cùng với đội ngũ hacker “mũ trắng” và “mũ đen” khá hùng hậu về sau lần lượt “hoàn lương” tham gia vào các chương trình, làm việc tại các doanh nghiệp về bảo mật tại Việt Nam.

Doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam (Viettel Cyber Security) hội nhập vào liên minh chống tấn công an ninh mạng toàn cầu cùng với các doanh nghiệp bảo mật lớn trên thế giới.
Doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam (Viettel Cyber Security) hội nhập vào liên minh chống tấn công an ninh mạng toàn cầu cùng với các doanh nghiệp bảo mật lớn trên thế giới.

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, Việt Nam vẫn được ví là “cường quốc” về bảo mật trong khu vực Đông Nam Á, trong đó Bkav là thương hiệu phần mềm an ninh mạng hiếm hoi được thương mại hóa có xuất xứ thuộc một quốc gia Đông Nam Á. Bởi hầu hết các phần mềm diệt virus, an ninh mạng đang chiếm lĩnh thị trường khu vực hiện nay hầu như đều thuộc về các tập đoàn, công ty Âu – Mỹ, hoặc châu Á.

Gần đây, trong cuộc bình chọn “Chìa khóa vàng” năm 2020 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức, đã có tới 45 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp được trao danh hiệu trên. Danh sách các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp được bình chọn cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngành an toàn, an ninh thông tin Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa với cảm hứng từ chiến lược Make in Vietnam.

Năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Vietnam.

"Make in Vietnam để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Make in Vietnam để đi ra nước ngoài, chinh phục thể giới và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Make in Viet Nam để làm chủ công nghệ. Make in Vietnam để bảo vệ Việt Nam. Make in Vietnam để Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Mỗi chúng ta, mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Và khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc!", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Bảo Bảo