Rõ ràng hơn về quyền sở hữu và sử dụng đất đai
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi đầu tư bất động sản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các quy định mới giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài để tham gia vào các dự án bất động sản lớn và mang lại lợi ích kinh tế cho cả quốc gia.
Cụ thể, Luật Đất đai (sửa đổi) đã cung cấp những quy định rõ ràng hơn về quyền sở hữu và sử dụng đất. Điều này tạo ra một môi trường pháp lý ổn định và đáng tin cậy hơn cho các nhà đầu tư. Quyền sở hữu và sử dụng đất được bảo đảm và bảo vệ, giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giao dịch bất động sản. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư để phát triển các dự án và tăng giá trị tài sản.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và chuyển nhượng đất đai. Quy trình trở nên rõ ràng và nhanh chóng hơn, giảm bớt thời gian và công sức cho các nhà đầu tư. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành các giao dịch mua bán và chuyển nhượng bất động sản, nâng cao tính thanh khoản và tăng cường hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Luật Đất đa (sửa đổi) cung cấp các chính sách khuyến khích để phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị mới. Các chính sách này bao gồm việc cung cấp đất với giá ưu đãi và hỗ trợ các dự án hạ tầng. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư để tham gia vào việc phát triển các khu vực mới, đáp ứng nhu cầu về hạ tầng và đáng sống của dân cư đang tăng lên.
Cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi tại buổi tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức hôm 12/4, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính ngân hàng đã nêu ra 1 vấn đề đang tồn tại là “người sở hữu một đằng, người sử dụng một nẻo”, điều này cho thấy những tồn tại cần được làm rõ và sửa đổi. Tuy nhiên, cũng theo ông Nghĩa, vì luật đã ra rồi nên không thể cầu toàn quá, thay vào đó nên góp ý, sửa đổi dần dần.
Ông Nghĩa đã nêu lên tình trạng thực tế của thị trường bất động sản Việt Nam là “khủng hoảng phân khúc”. Theo đó, từ 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên hiện trạng này, và đưa ra 2 phương án để “cứu” phân khúc nhà ở giá rẻ là đẩy qua ngân sách và đẩy qua ngân hàng trung ương.
Luật Đất đai (sửa đổi) tạo cơ hội cho cả các chủ đầu tư bất động sản và người sử dụng đất
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá “không thể dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên”. Cho tới nay, “phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như thất bại, trong khi đó phân khúc chung cư thương mại thăng tiến với tốc độ tăng giá đáng sợ”. Ông Nghĩa cho rằng thực trạng này cho thấy “một bước lùi về chiến lược của Chính phủ về xử lý thị trường nhà ở”.
Vị chuyên gia này nhắc lại lời cảnh báo về thị trường bất động sản Việt Nam là “một mình phân khúc chung cư có bong bóng”, do cung cầu không còn cân đối hoặc đi ngược hướng vì nguồn cung giảm.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, một số điểm mới trong Luật Đất đai tạo cơ hội và hỗ trợ cho cả các chủ đầu tư bất động sản và người sử dụng đất về mặt pháp lý.
Theo ông Hà, những điểm mới này bao gồm việc cấp phép chuyển nhượng đất thuê trả tiền hàng năm; mở rộng cơ hội cho vay thế chấp; cung cấp cơ chế xử lý các vấn đề đất đai liên doanh và người sử dụng đất góp vốn vào dự án khi dự án ngừng hoạt động hoặc doanh nghiệp phá sản; đưa ra cơ chế và thủ tục giải phóng mặt bằng.
Ông Hà cho hay, Luật Đất đai 2013 không cho phép chuyển nhượng đất thuê trả tiền hàng năm, nhưng trong Luật Đất đai mới đã có cơ chế cho phép chuyển nhượng. “Đây là nội dung đột phá và nhiều nhà đầu tư quan tâm, tôi đánh giá đây là hướng xử lý tốt”, ông Hà cho biết.
Ông Hà kỳ vọng các văn bản pháp lý đất đai sẽ giải thích rõ khái niệm “thế nào là mục đích công cộng” trong trường hợp nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Từ thực tiễn tranh chấp pháp lý liên quan tới vấn đề này, ông Hà cho biết các phán quyết đưa ra thường bất lợi cho người dân nên Nhà nước cần làm rõ để người dân thấy rằng quyền lợi của họ được đảm bảo.
Bên cạnh đó, ông Hà cũng khuyến nghị Nhà nước nên dành thời gian nghiên cứu kỹ Luật Đất đai trước khi áp dụng, do Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ áp dụng luật từ ngày 1/7/2024. “Với tiến độ thời gian gấp như thế thì tôi lo về chất lượng của các văn bản hướng dẫn liên quan”, ông Hà nói.
Nghệ Nhân