Luật Cạnh tranh 2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, trong đó có sự thay đổi trong tiêu chí xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
So với Luật Cạnh tranh 2004, hiện nay, Luật Cạnh tranh 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) đã bổ sung thêm công cụ để xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp. Cụ thể, ngoài yếu tố về thị phần còn có thêm yếu tố sức mạnh thị trường.
Doanh nghiệp được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây: tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác; khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan, theo đó, thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong đó, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
Việc xác định khả năng thay thế cho nhau của sản phẩm phản ánh được mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của nhau, bởi lẽ, khi đã có thể thay thế cho nhau thì lúc đó các sản phẩm đó đã có chung mục đích là đáp ứng cho một nhu cầu của thị trường.
Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
Doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt tới 2 tỷ đồng.
Cũng trong Luật cạnh tranh 2018, một trong những điểm mới của Luật này là quy định cụ thể mức phạt tối đa đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh tại Điều 111. Doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt tới 2 tỷ đồng.
Cụ thể, vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh: phạt tối đa 2 tỷ đồng; vi phạm quy định về tập trung kinh tế: phạt tới 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm vi phạm; vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền: phạt tối đa 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm; hành vi vi phạm khác: phạt tối đa 200 triệu đồng.
Doanh Nhân Sài Gòn
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn