WiGroup vừa có báo cáo cập nhật về kết quả kinh doanh toàn thị trường quý I/2023 qua số liệu thống kê của 938 trong tổng 1.630 công ty trên sàn chứng khoán (chiếm hơn 90% vốn hóa thị trường).
Báo cáo nhìn nhận, sau kết quả lợi nhuận kém tích cực trong quý IV/2022 khi giảm 30% so với cùng kỳ, quý đầu tiên của năm 2023 tiếp tục gây thất vọng với lợi nhuận sau thuế toàn thị trường giảm sâu hơn 50% so với cùng kỳ nếu không tính đến sự đóng góp của nhóm tài chính.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nhìn chung, sự sụt giảm của lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đến chủ yếu từ nhóm phi tài chính khi nhóm này đã có 2 quý liên tiếp ghi nhận mức giảm trên 50% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia cho biết, sự sụt giảm này không quá khó dự đoán khi chỉ số PMI các tháng đầu năm đã cho thấy sự đình trệ của lĩnh vực sản xuất và các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới.
Nếu xét theo từng ngành, nhóm phát triển bất động sản có kết quả bất ngờ so với kỳ vọng vì dù trong giai đoạn tương đối khó khăn của thị trường, lợi nhuận sau thuế của ngành này vẫn tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp của Vinhomes ra khỏi kết quả chung của toàn ngành, mảng bất động sản lại cho thấy sự sụt giảm hơn 50% trong quý 1/2023. Điều đó cho thấy, về bản chất thì ngành này vẫn không nằm ngoài những khó khăn chung của thị trường mặc dù con số tăng trưởng chung được thể hiện tương đối khả quan.
Trong khi đó, Vinhomes (VHM/HoSE) là doanh nghiệp hiếm hoi có kết quả kinh doanh đi ngược thị trường khi ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ lên 11.923 tỷ đồng, kéo lại đà giảm cho các công ty trên sàn.
Trong quý I năm nay, công ty ghi nhận lãi tăng cao là do ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao 2.600 căn bất động sản thấp tầng tại Đại dự án Vinhomes Ocean Park 2. Báo cáo cũng chỉ ra, hai ngành có kết quả gây thất vọng nhất phải kể đến ngành hóa chất do giá phốt pho và phân bón giảm sâu và nhóm môi giới chứng khoán do thanh khoản thị trường yếu kém.
Thị trường bất động sản 2023 được đoán định còn tiếp diễn khó khăn trong bối cảnh sức cầu ở mức thấp. Một số chủ đầu tư và doanh nghiệp môi giới cho rằng, họ không kỳ vọng vào việc bán được nhiều hàng trong năm nay. Những dự kiện mở bán với hàng nghìn người mua như giai đoạn 2021-2022 đến nay không còn.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, kế hoạch kinh doanh năm nay dựa trên kịch bản hết sức thận trọng, doanh nghiệp phải đánh giá lại nhu cầu cũng như sức tiêu thụ của thị trường hiện tại để đưa ra sản phẩm phù hợp.
Đơn cử như Nam Long đã tiến hành lọc lại danh mục bất động sản sẵn sàng bán và quyết định giữ lại sản phẩm có giá trị cao (vài chục tỷ đồng mỗi sản phẩm) để tập trung bán các sản phẩm vừa túi tiền với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, được hấp thụ tốt ngay thời điểm khó khăn.
TTC Land cũng đang đánh giá lại giá bán của một số dự án ở TP HCM để phù hợp với cả giá vốn và năng lực chi trả của người mua, bởi sau thời gian dài bị trì hoãn do tắc pháp lý thì dự án đã bị đội thêm chi phí đáng kể và hiệu quả gần như ngấp nghé ở điểm xuất phát.
P.V (t/h)