Dự báo cả năm thâm hụt thương mại không quá lớn, cán cân thanh toán vẫn thặng dư |
Thất thường như cán cân thương mại 5 tháng
Mặc dù nhập siêu quay lại sau khi xuất siêu 750 triệu USD vào thời điểm kết thúc tháng 4, song con số này cũng vẫn “nhẹ” hơn nhiều so với thời điểm trung tuần tháng 5. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng thâm hụt tới 1,85 tỷ USD, đưa mức thâm hụt thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2019 lên hơn 1 tỷ USD.
Nhìn trong chuỗi thời gian từ đầu năm đến nay, có thể thấy xu hướng đảo chiều liên tục của cán cân thương mại. Nếu như tháng 1 cả nước xuất siêu 750 triệu USD, thì nhập siêu đã quay lại ở mức 768 triệu USD vào tháng 2. Sang đến tháng 3, xuất siêu trở lại mạnh mẽ ở mức 1,63 tỷ USD, ngay sau đó lại trở về trạng thái nhập siêu trong tháng 4 với 550 triệu USD.
Sự thay đổi thất thường này báo hiệu một năm không mấy suôn sẻ cho xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bởi nếu so sánh với cùng kỳ năm 2018, có thể thấy trạng thái xuất siêu đã duy trì suốt 4 tháng liên tục và chỉ đảo chiều nhẹ trong tháng 5 để rồi sau đó lại tiếp tục xuất siêu. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu tới 2,56 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế lý giải, sự trồi sụt thất thường của cán cân thương mại chủ yếu là do tác động từ xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện. Cụ thể là trong 1/3 chặng đường đầu tiên của năm 2019, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đã liên tục tăng trưởng âm.
Tính hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu điện thoại sụt giảm 0,4% so với 4 tháng đầu năm 2018. Điện thoại và linh kiện cũng là nhóm hàng chủ lực duy nhất trong nhóm dẫn đầu (cùng với máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện; dệt may) bị tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm nay. Mặt khác, sự sụt giảm kim ngạch của nhóm hàng điện thoại và linh kiện cũng là điều bất thường so với tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm trước đó.
Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 5, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng dương. Kết quả xuất khẩu 15 ngày đầu tháng đưa tổng kim ngạch nhóm hàng này lên hơn 17,7 tỷ USD, tăng nhẹ 0,77% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương hơn 130 triệu USD.
Tổng cục Hải quan đánh giá, con số tăng thêm trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại là không đáng kể. Nhưng trong bối cảnh kết quả xuất khẩu điện thoại và linh kiện liên tục tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm, thì sự vươn lên để lấy lại đà tăng trưởng dương của nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất này cũng rất có ý nghĩa.
Trong khó khăn vẫn có hy vọng
Trước bức tranh chung của thương mại hàng hoá trong 5 tháng đầu năm, các chuyên gia cho rằng tác động của suy giảm kinh tế thế giới và một số đối tác thương mại đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam đã khá rõ ràng. Quý I năm nay, nhiều quốc gia đối tác lớn tăng trưởng âm, vì vậy để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 8-10% cho cả năm là rất khó khăn.
Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn chung, vẫn loé lên một số biểu hiện thuận lợi cho Việt Nam. Chẳng hạn, xuất khẩu điện thoại của Samsung đã tăng trưởng dương trở lại và nhiều khả năng có thể cải thiện mạnh hơn vào các tháng tới, nhờ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Như vậy, ngoài khó khăn chung theo tính chu kỳ của kinh tế thế giới, thì một số ngành hàng nhất định vẫn có thể đắc lợi.
Khi nhập siêu trở lại, nhiều lo ngại đổ dồn về tỷ giá trước khả năng các quốc gia sử dụng công cụ này để tạo khả năng cạnh tranh, từ đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam. Tuy nhiên theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước mắt hiệu ứng này có vẻ chưa lớn. Sở dĩ như vậy là bởi các quốc gia xung quanh Việt Nam, kể cả Trung Quốc có vẻ đắn đo hơn trong việc dùng cách phá giá hay thay đổi tỷ giá đồng tiền của mình. Ngay cả năm ngoái khi Trung Quốc thay đổi tỷ giá quanh mức 7%, song Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng không đánh giá nước này lạm dụng tỷ giá, mà chủ yếu do tác động từ việc thay đổi cung cầu thị trường.
Mặc dù vậy, đối với Việt Nam, áp lực lên công tác điều hành là không nhỏ, do vừa phải tạo đủ linh hoạt cho tỷ giá, không làm giảm năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng phải đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, áp lực tại thời điểm này cũng đang tăng lên, ví dụ bán ròng trên thị trường chứng khoán, lạm phát nhúc nhắc trở lại, thâm hụt thương mại tiếp diễn...
Song bên cạnh đó cũng đan xen yếu tố tích cực, chẳng hạn thâm hụt thương mại dự báo cho cả năm không quá lớn. Đồng thời nếu nhìn tổng thể cả cán cân thanh toán quốc tế, dòng tiền vào ra tính thêm kiều hối, FDI, các dòng vốn khác thì cơ bản Việt Nam có thể vẫn có thặng dư nhẹ.
“Tôi tin dù tình hình thế nào thì NHNN vẫn đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô lên đầu, từ đó điều hành linh hoạt, kể cả can thiệp thị trường khi cần thiết thì NHNN đã có rất nhiều bài học rồi. Và với nguồn lực hiện nay về dự trữ ngoại hối ở mức khá hơn rất nhiều so với trước đây, tin rằng Việt Nam vẫn điều hành linh hoạt và mức độ thay đổi tỷ giá của VND vẫn không quá lớn”, ông Thành kỳ vọng.
Đức Ngọc