Lỗ hổng trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Bài 3: Tài sản nhà nước bị "bốc hơi” hàng trăm tỉ đồng

09:49 10/11/2021

Phát lộ tình tiết mới để nhận định thương vụ “Hợp tác đầu tư” giữa Công ty Tây Hồ và Công ty Thăng Long Land gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước và cổ đông. Hợp đồng bị phán quyết vô hiệu là điều khó tránh khỏi nếu một trong hai bên của hợp đồng hoặc khách hàng mua BĐS của dự án này khởi kiện. Đó là khẳng định của Luật sư sau khi nghiên cứu về hai hợp đồng này, bởi có quá nhiều vi phạm về thẩm quyền khi ký kết hợp đồng.

                                  Hợp tác đầu tư hay hợp tác gây thiệt hại?

Như các bài trước đã nêu, liên tiếp trong thời gian chưa đầy 1 tuần, Công ty Tây Hồ và Công ty Thăng Long Land đã ký kết  02 Hợp đồng đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT ngày 29/7/2020 và Hợp đồng đầu tư số 02/2020/HĐHTĐT ngày 04/8/2020 gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước và cổ đông. Đáng chú ý, tên của 2 hợp đồng này đều là Hợp đồng “hợp tác đầu tư”, nhưng nội dung hợp đồng là chuyển nhượng dự án và sự “hợp tác” này mỗi mét vuông đất vàng ở Quế Võ so với thời điểm được giao đất năm 2003, chỉ lãi 80.167 đồng, ai bị thiệt hại và thiệt hại bao nhiêu sau cú bắt tay này của Công ty Tây Hồ và Công ty Thăng Long Land?

Khi trao đổi với Doanh nghiệp & Hội nhập, đại diện cho Công ty Thăng Long Land vẫn cho rằng, đây chỉ là 2 hợp đồng hợp tác đầu tư, không phải chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, tại trang 25 của Báo cáo Tài chính năm 2020 của Công ty Tây Hồ ghi rõ Hợp đồng đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT... và Hợp đồng đầu tư số 02/2020/HĐHTĐT về việc hợp tác đầu tư xây dựng, tổ chức kinh doanh, chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và bán sản phẩm nhằm mục đích mang lại lợi nhuận cho dự án…” Việc tổ chức kinh doanh, xây dựng và bán sản phẩm, thậm chí cả QSD đất đã trao hết cho bên công ty Thăng Long Land như nội dung hợp đồng đã ghi rõ, còn hạ tầng kỹ thuật đã chuyển nhượng như khẳng định tại báo cáo tài chính này thì rõ ràng đây là chuyển nhượng dự án chứ không còn là hợp tác đầu tư như lời đại diện của Công ty Thăng Long land “trần tình”. Câu chuyện “treo” đầu hợp tác đầu tư nhưng “bán” dự án này là điều ai cũng thấy rõ.

Công ty Tây Hồ có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ, là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và là công ty con của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP (doanh nghiệp của Bộ Xây Dựng). Ông Tân Tú Hải khi đó là Tổng Giám đốc- người trực tiếp ký 2 hợp đồng “hợp tác” này, Trưởng ban Kiểm soát của công ty là bà Chu Thị Ngọc Ngà. 

  Hai bản Hợp đồng Hợp tác đầu tư giữa Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ và Công ty Đầu tư và Phát triển Thăng Long Land. 

Theo chính “Phương án giá kinh doanh” ngày 10/9/2019 của công ty thể hiện rõ, với 7 hạng mục gồm 280.519,1 m2 này, nếu để nguyên hiện trạng thì tổng giá trị các lô đất là 557.987.250.000 đồng (gần 558 tỷ đồng), nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì tổng doanh thu của phần đất chuyển đổi mục đích sử dụng là 1.218.459.000.000 đồng  (trên 121 ngàn tỷ đồng). Nhưng trong 2 hợp đồng “hợp tác đầu tư” đã ký, Công ty Tây Hồ và Công ty Thăng Long Land chỉ đánh giá giá trị Công ty Tây Hồ đã đầu tư là 180 tỷ, thay vì sẽ nhận được từ gần 558 tỷ đến 121 ngàn tỷ đồng theo phương án giá kinh doanh nêu trên thì Công ty Tây Hồ chỉ nhận về 171 tỷ đồng, để lại 9 tỷ và giao toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền điều hành dự án, tổ chức kinh doanh cho Công ty Thăng Long Land. Do vậy, nhận định Công ty Tây Hồ bị thiệt hại ít nhất vài trăm tỷ đồng trong thương vụ này  là có căn cứ. Phương án giá kinh doanh này do ông Nguyễn Tấn Hoàng khi đó là Trưởng phòng Kinh doanh ký, nay ông Hoàng là Chủ tịch HĐQT, ông Hoàng là cháu ruột bà Chu Thị Ngọc Ngà –Trưởng ban Kiểm soát. Do vậy, người bị thiệt hại trong thương vụ “hợp tác” không ai khác chính là nhà nước và các cổ đông.

                              Hợp đồng có nguy cơ bị vô hiệu nếu có khởi kiện?

Như trên đã nêu, đại diện cho Công ty Tây Hồ tham gia ký kết là ông Tân Tú Hải, khi đó là Tổng Giám đốc. Theo tài liệu phóng viên có được, việc ký kết này của ông Tân Tú Hải là trái thẩm quyền vì chưa có sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tây Hồ và chưa xin ý kiến của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội bằng văn bản.

Theo đơn của ông Đặng Quang Tuấn, khi đó là Chủ tịch HĐQT, việc ông Tân Tú Hải ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty Thăng Long Land ngày 29/7/2020 và 4/8/2020 ông Tuấn không biết, ông không chủ trì các cuộc họp liên quan đến việc hợp đồng hợp tác đầu tư  với Công ty Thăng Long Land. Để hợp thức hóa việc ký kết trái thẩm quyền này, Công ty Tây Hồ đã tạo ra Nghị quyết HĐQT ngày 06/7/2020 có nội dung bầu ông Tân Tú Hải-Tổng Giám đốc “tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT cho đến khi Đại hội đồng cổ đông hết nhiệm kỳ”. Nghị quyết này vi phạm điểm e, khoản 2 Điều 10 Quy chế hoạt động của người đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP ban hành năm 2016 do chưa xin ý kiến bằng văn bản đối với Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội; vi pham khoản 39.1 Điều 39 Điều lệ công ty: “Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc”. Cuộc họp HĐQT này cũng vi phạm khoản 39.4 Điều lệ công ty vì ông Đặng Quang Tuấn- Chủ tịch HĐQT không ủy quyền bằng văn bản cho ai triệu tập cuộc họp HĐQT. Thực tế ông Đặng Quang Tuấn vẫn quản trị công ty, chủ trì các cuộc họp và ký các quyết định bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ cán bộ chủ chốt và kiện toàn bộ máy của công ty cho đến khi có đơn xin từ chức gửi Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội vào ngày 6/1/2021. Như vậy đã rõ, nghị quyết bầu ông Tân Tú Hải là Chủ tịch HĐQT ngày 6/7/2020 là nghị quyết trái pháp luật. Vì vậy, Hợp đồng đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT ngàỳ 29/7/2020 và Hợp đồng đầu tư số 02/2020/HĐHTĐT ngày 4/8/2020 với Công ty Thăng Long Land do ông Tân Tú Hải ký kết là vượt quá thẩm quyền. 

  Văn phòng Công ty CP Phát triển và đầu tư Thăng Long Land đặt tại trung tâm KĐT mới Quế Võ. 

Theo điểm e, khoản 2 Điều 10 Quy chế hoạt động của người đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP ban hành năm 2016 quy định:“Người đại diện phải xin ý kiến Tổng Công ty bằng văn bản trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại cuộc họp HĐTV, HĐQT, Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề sau:.. e, Chủ trương đầu tư , mua, bán tài sản và hợp đồng vay cho vay hoặc hợp đồng, giao dịch khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ của Doanh nghiệp…”.

Ngày 10/7/2020, Công ty Tây Hồ đã có Nghị quyết HĐQT phiên mở rộng thông qua giá trị hợp tác đầu tư đối với phần dự án này là 180 tỷ đồng tương đương 57,09% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính năm 2019 (315.265.722.711 đồng-PV). Như vậy, theo điểm e khoản 2 Điều 10 của Quy chế nêu trên, việc Hợp tác đầu tư của Công ty Tây Hồ với Công ty Thăng Long Land phải xin ý kiến đối với Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội trước khi ký kết. Để “né”quy định này của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Tây Hồ và Công ty Thăng Long Land đã “xé” phần dự án này làm 2 nửa, mỗi nửa là 90 tỷ đồng để ký kết thành 2 hợp đồng là Hợp đồng số 01 ký ngày 29/7/2020, và 6 ngày sau (4/8/2020) lại ký tiếp hợp đồng số 02. Tuy nhiên, dù có tinh vi đến đâu thì Nghị quyết HĐQT phiên mở rộng ngày 10/7/2020 thông qua giá trị hợp tác đầu tư đã làm “lòi ra kĩ thuật” xé đôi phần dự án để lách quy định của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Việc Công ty Tây Hồ ký kết hai Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Thăng Long Land khi chưa có sự đồng ý của Chủ tịch HĐQT công ty và chưa xin ý kiến Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội là nguy cơ hợp đồng vô hiệu, và kéo theo hàng loạt xung đột pháp lý nếu một trong các bên ký kết hợp đồng hoặc người mua BĐS tại phần dự án này khởi kiện- một Luật sư nghiên cứu về hiệu lực pháp lý của hai hợp đồng này nhận định.

Nhóm PV pháp luật