Ts. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển – Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết tính riêng 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng đến 20,8%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng trên 11%.
Tín hiệu ngày càng rõ
Đặc biệt, có một số nhóm hàng NK thuộc loại tăng trưởng mạnh nhất và kim ngạch cũng rất cao. Đầu tiên là các sản phẩm và linh phụ kiện điện tử, tin học (không kể điện thoại thông minh) trong 5 tháng qua có kim ngạch NK từ Trung Quốc hơn 5 tỷ USD, tăng hơn 81% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Thành, cũng những chủng loại mặt hàng này, Việt Nam xuất sang Mỹ tăng trên 70%. Điều đó một mặt thể hiện doanh nghiệp (DN) Trung Quốc không xuất khẩu (XK) được sang Mỹ với tốc độ tăng trưởng cao nữa vì phải chịu mức thuế lớn, nên xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, với nhóm hàng điện tử của Việt Nam khi XK chủ yếu là của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thời gian qua, XK nhóm hàng điện tử cũng tăng mạnh, nhưng với tốc độ chỉ vào khoảng 30%.
“Đúng mặt hàng nhập mạnh từ Trung Quốc cũng là mặt hàng mà chúng ta XK mạnh sang Mỹ. Ít nhất đó cũng là một tín hiệu cho thấy liệu có vấn đề chuyển tải hàng hoá hay không. Điều này phụ thuộc vào cơ quan chức năng cần xác định cụ thể tên tuổi của DN nào đã thực hiện hoạt động chuyển tải như vậy”, ông Thành nói.
Đáng chú ý là linh kiện điện tử và máy móc thiết bị điện vừa nhập mạnh từ Trung Quốc, đồng thời cũng xuất mạnh sang Mỹ với tốc độ 30 – 50%.
Theo giới chuyên gia, Transhipment (hàng chuyển tải) trong ngành hàng điện tử là điều cần cảnh báo. Tức là hàng điện tử Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không kiểm soát chuyện này sẽ khiến cho ngành hàng điện tử Việt Nam thành tâm điểm để Mỹ nhắm đến.
Thời gian qua, dư luận cũng phản ánh về quy tắc ngầm của hàng điện tử Trung Quốc NK về Việt Nam rồi thay nhãn mác. Đó là DN nhập rời hàng về với giá cực rẻ rồi lắp ráp lại, khắc tên thương hiệu Việt sau đó bán lại với giá gấp ba lần giá gốc.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo “Cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung: Cơ hội hay thách thức với DN” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) tổ chức tại Tp.HCM ngày 25/6, Ts. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, cho rằng việc chuyển tải của hàng hoá Trung Quốc đã được cảnh báo từ khá lâu. Đây là một trong những vấn đề thuộc nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của DN phải kiểm soát một cách chặt chẽ.
Hàng chuyển tải trong ngành hàng điện tử là điều cần cảnh báo |
Không nên tiếp tay
Theo đó, nếu như để xảy ra tình trạng chuyển tải sẽ là cái cớ cho Mỹ đánh thuế và ảnh hưởng lây lan đến các DN khác, chứ không chỉ với DN có liên quan đến hàng chuyển tải.
“Trên thực tế, tôi cho rằng có thể xảy ra với một số trường hợp nào đó. Nhưng trong chính sách chung của Chính phủ về kiểm soát thì cũng đã cảnh báo việc tăng cường kiểm soát vấn đề này”, ông Lịch nói.
Tuy nhiên, để thực hiện được không chỉ cần phía cơ quan quản lý nhà nước, mà vai trò quan trọng của các hiệp hội ngành nghề đối với các DN và trong những ngành như vậy cần có sự kiểm soát nội bộ, có tiếng nói chung, để bảo vệ chung. Không ai biết được nội tình của các DN bằng những hiệp hội quản lý của ngành nghề đó, ở các quốc gia khác đều phát huy vai trò này.
Ông Lịch nhấn mạnh cần cảnh báo và ngăn ngừa những hiện tượng chuyển tải, không chỉ đối với XK mà ngay cả thị trường nội địa.
Thực tế, để xảy ra tình trạng chuyển tải hàng điện tử Trung Quốc có sự tiếp tay của một số DN vì động cơ lợi nhuận. Do đó, với những trường hợp điển hình có thể cần xử lý mạnh tay về mặt hình sự nếu như DN có hành vi gian dối.
Như trường hợp NK hàng điện tử của Trung Quốc rồi ghi xuất xứ Việt Nam của hãng điện tử Asanzo (một DN nội địa), ông Lịch cho biết nếu trên thực tế đúng như những gì dư luận phanh phui thì cần xem xét lại rất kỹ đối với các DN dùng sản phẩm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam.
Ông Lịch cũng nói vui: “Hóa ra là thương hiệu Việt, sản phẩm Việt” lại có giá trị mà người ta phải “đội lốt”. Tuy nhiên, nếu không khéo kiểm soát thì chúng ta lại đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Thương hiệu Việt, hàng Việt muốn đứng vững trên thị trường thế giới thì trước hết phải đứng được trong niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Đây là điều cực kỳ quan trọng!”.
“Việc DN nhập một cái máy, một mặt hàng hoàn chỉnh ở nước ngoài, có dán nhãn nước ngoài rồi về gỡ nhãn ra, dán nhãn Vietnam thì làm sao có thể gọi là hàng “Made in Việt Nam”?”, ông Lịch đặt dấu hỏi.
Trước nỗi lo hàng điện tử Trung Quốc chuyển tải như hiện nay, giới chuyên gia mong muốn các DN đừng vì lợi nhuận mà tiếp tay, thay vào đó hãy cố gắng đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ để ngành điện tử Việt phát triển vững chắc hơn.
Thế Vinh