Liệu đợt IPO của gã khổng lồ Coupang tại Mỹ có mang lại lợi nhuận lâu dài cho công ty?

09:56 12/03/2021

Gã khổng lồ thương mại điện tử được SoftBank hậu thuẫn đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về lợi nhuận và lao động.

Coupang của Hàn Quốc, một ông lớn trong thị trường thương mại điện tử, đã gây chú ý khi ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn ảnh Reuters)

Coupang của Hàn Quốc, một ông lớn trong thị trường thương mại điện tử, đã gây chú ý khi ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Nguồn ảnh Reuters).

Bon Kim thường ít được nhắc tới là "người hùng" kinh doanh tại châu Á giống như Jack Ma nhưng công ty của anh ở Hàn Quốc - Coupang đã có lđợt IPO hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán. Cơn sốt IPO của công ty Hàn Quốc này khiến người ta liên tưởng đến trường hợp tương tự vào năm 2014 khi Tập đoàn Alibaba cũng khiến các nhà đầu tư thán phục.

Mới đây, Coupang, công ty thương mại điện tử với thâm niên hơn một thập kỷ đã tạo ra một mảng bán lẻ khổng lồ của Hàn Quốc, đã huy động được 4,6 tỷ USD trong lần đầu ra mắt trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York.

Cổ phiếu mở bán cao hơn 80% so với giá chào bán $ 35. Vào cuối ngày giao dịch đầu tiên, công ty - mà một số ít bên ngoài Hàn Quốc nghe nói đến - đã được định giá hơn 80 tỷ USD.

Đây là lần ra mắt thị trường lớn nhất tại Mỹ của một công ty nước ngoài kể từ sau Alibaba, huy động được 21,8 tỷ USD. Giống như Alibaba, Coupang cũng có sự hậu thuẫn từ Tập đoàn SoftBank của Masayoshi Son.

Nhưng trong khi Alibaba có một thị trường nội địa khổng lồ là Trung Quốc, nơi thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới với quy mô 1,8 nghìn tỷ đô la. Còn với Coupang, họ hoạt động chủ yếu ở Hàn Quốc, nơi đứng thứ sáu toàn cầu với doanh thu chỉ 74 tỷ USD. .

Vấn đề hiện nay công ty đang đối mặt là công ty vẫn chưa có một năm có lãi, mặc dù doanh thu tăng nhanh và với sự giám sát mới về điều kiện lao động chặt chẽ sau cái chết của một tài xế giao hàng được báo cáo vào đầu tuần này.

Tất cả những điều đó ngày hôm qua (11/3) đã được đặt sang một bên khi mà Kim - một sinh viên bỏ học tại Trường Kinh doanh Harvard đã rung chuông khai mạc cho đợt IPO tại NewYork

"Chúng tôi ở đây ngày hôm nay bởi vì chúng tôi tập trung vào một chiến lược dài hạn, một tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi có đội ngũ và cổ đông phù hợp với tầm nhìn đó ... Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu đó ", tỷ phú mới này nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình cùng ngày.

Coupang thậm chí còn vượt quá mong đợi mà chính họ đặt ra. Ban đầu họ chỉ nhắm mục đích bán cổ phiếu ở mức từ 27 đến 30 đô la. Nhưng con số đó đã được nâng lên trong tuần này sau khi các ngân hàng tham gia vào đợt IPO - bao gồm Goldman Sachs, Citigroup và UBS, điều này cho thấy được sự thèm muốn của các nhà đầu tư.

Sự ra mắt này cũng là một thành công lớn của SoftBank. Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) của SoftBank, đã đầu tư 3 tỷ đô la vào Coupang, là cổ đông lớn nhất với 33,1% cổ phần trị giá khoảng 27 tỷ đô la vào cuối giao dịch ngày đầu tiên.

Coupang là một phần của sự hồi sinh lớn cho SoftBank và tỷ phú Son trong 12 tháng qua, sau khi CEO than thở rằng đại dịch coronavirus đang "nghiền nát" những con kỳ lân của ông. Giờ đây, ông và Coupang là những người hưởng lợi từ sự "thèm muốn" của các nhà đầu tư đối với câu chuyện tăng tốc thương mại kỹ thuật số ở châu Á.

Các cổ đông lớn khác bao gồm Greenoaks Capital Partners, có trụ sở tại San Francisco, với 16,6% cổ phần. Người sáng lập Kim là cổ đông thứ 3, với tỷ lệ 10,2%. Tuy nhiên, Kim vẫn duy trì quyền kiểm soát công ty với tư cách là cổ phiếu phổ thông loại B với 29 phiếu bầu trên mỗi cổ phiếu, mang lại cho anh 76,7% quyền biểu quyết. Cổ phần của Kim trị giá 11,1 tỷ USD.

Trước đợt IPO bom tấn này, Coupang đã dành 11 năm tập trung vào những công việc nhỏ nhặt để phát triển thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc. Ví dụ, nhân viên giao hàng gõ nhẹ thay vì bấm chuông cửa khi giao hàng tã để tránh đánh thức trẻ con trong nhà. Gần đây nhất, công ty cũng đã quan tâm hơn đến vấn đề về bảo vệ môi trường. 

Kang Yu-rok, một nhà tiếp thị kỹ thuật số cho biết: “Tôi thích việc giao hàng đến rất nhanh và trong những chiếc túi bảo vệ môi trường có thể tái sử dụng, vì vậy tôi không phải lo lắng về việc gây hại cho môi trường”.

Những chi tiết nhỏ này cùng với thời gian giao hàng nhanh chóng - dịch vụ "Rocket Delivery" hứa hẹn giao hàng trong vòng 24 giờ - đã giúp Coupang trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc, có gần 15 triệu khách hàng trong tổng số 52 triệu dân.

Giao hàng nahnh đang là điểm mạnh của Coupang
Giao hàng nhanh đang là điểm mạnh của Coupang.

Công ty cho biết thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng và với tư cách là người dẫn đầu, họ đã sẵn sàng tận dụng sự tăng trưởng này. Trên thực tế, tổng giao dịch bán lẻ trực tuyến của nước này đạt 161 nghìn tỷ won (142 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng từ 135 nghìn tỷ won một năm trước, theo dữ liệu của chính phủ.

"COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu mua hàng đến mua sắm trực tuyến, nâng cao doanh số bán hàng ở hầu hết các loại sản phẩm bao gồm thực phẩm và đồ nội thất", Bộ Công nghiệp cho biết trong đánh giá hàng năm về thị trường bán lẻ.

Doanh thu bán lẻ của Coupang đã vượt xa mức tăng trưởng trước, tăng gần gấp đôi lên 11 tỷ USD từ 5,8 tỷ USD trong cùng kỳ. Doanh thu ròng trên mỗi khách hàng cũng tăng lên 256 USD từ 161 USD.

"Sự tăng trưởng đó phản ánh sự thành công của chúng tôi trong việc thu hút, giữ chân và tăng mức độ tương tác của khách hàng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc cải thiện trải nghiệm khách hàng tác động trực tiếp với việc tăng tốc độ tương tác của khách hàng", Coupang cho biết trong đăng ký chứng khoán trước khi niêm yết.

Nhưng bất chấp doanh thu lớn và ngày càng tăng, công ty vẫn chưa có lãi. Coupang ghi nhận khoản lỗ 527,7 triệu USD vào năm 2020, ít hơn một chút so với con số 643,8 triệu USD của năm trước và bằng khoảng một nửa khoản lỗ hoạt động năm 2018 là 1,1 tỷ USD.

Các nhà phân tích cho rằng những khoản lỗ liên tục có thể không phải là vấn đề lớn đối với Coupang, miễn là khoảng cách tiếp tục được thu hẹp.

"Giá trị của các nhà bán lẻ trực tuyến không được xác định bởi lợi nhuận ngắn hạn, mà là thị phần. Nói cách khác, đó là doanh thu và lưu lượng khách hàng", Park Jong-dae, một nhà phân tích tại Hana Financial Investment, cho biết. "Các khoản lỗ hoạt động không quan trọng miễn là họ đang đạt đến điểm hòa vốn. Và Coupang đang ở trong quá trình này."

Trên thực tế, hiệu quả tài chính của nó là một lý do khiến Coupang chọn New York để IPO hơn là Korea Exchange ở Seoul, nơi chấp nhận các công ty thua lỗ niêm yết. Ngoài ra các yếu tố khác cũng tác động đến sự lựa chọn này, bao gồm quốc tích Mỹ của người sáng lập Bon Kim cũng như sự hiện diện đông đảo của các tổ chức Hoa Kỳ, trong đó đáng chú ý nhất là Softbank.  

Shin Jang-sup, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Quỹ Tầm nhìn do Masayoshi Son đứng đầu đã đóng một vai trò lớn trong việc mang lại danh tiếng tốt cho Coupang ở New York. Các nhà đầu tư ở New York đánh giá Coupang rất cao vì họ tin tưởng vào thành tích thành công của Quỹ Tầm nhìn".

Nhưng trong khi mối liên hệ với Son có thể đã giúp Coupang có một khởi đầu mạnh mẽ trên sàn giao dịch New York, công ty vẫn phải đối mặt với một vấn đề cơ bản: Hệ thống Rocket Delivery - dịch vụ giao hàng nhanh chóng đang tốn một khoảng chi phí lớn. 

Để đạt được thương hiệu của mình, công ty duy trì hơn 100 trung tâm thực hiện và hậu cần tại 30 thành phố của Hàn Quốc. Coupang đã chi 485 triệu USD vào bất động sản và cơ sở vật chất trong năm ngoái để thành lập các trung tâm hậu cần của riêng mình.

Coupang đã bảo vệ mô hình tốn kém của mình, nói rằng các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của họ sẽ mang lại hiệu quả trong dài hạn.

"Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đầu tư đáng kể vào mạng lưới công nghệ và cơ sở hạ tầng của mình để thu hút khách hàng và khách hàng mới. ... Những khoản đầu tư này sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn và khả năng cạnh tranh của chúng tôi, nhưng sẽ tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận hoạt động trong trong ngắn hạn, ”Coupang cho biết trong đơn gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.

Và Coupang vẫn chưa hoàn thành việc tăng cường cơ sở hạ tầng hậu cần của mình. Công ty cho biết, họ có kế hoạch đầu tư 870 triệu USD để xây dựng bảy trung tâm khu vực trong vài năm tới. Nó cũng cho biết chi phí ở Hàn Quốc cho cả cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động sẽ vượt quá vài tỷ đUSD trong vài năm tới.

Việc duy trì tài xế và kho hàng của riêng mình khiến Coupang trở nên khác biệt so với các đối thủ, những người chủ yếu dựa vào các công ty hậu cần bên ngoài để giao hàng. Naver, công ty internet lớn nhất của đất nước, hợp tác với CJ Logistics cho các dịch vụ thương mại điện tử của mình. Để củng cố mối quan hệ đối tác, Naver đã mua 7,85% cổ phần của CJ Logistics với giá 300 tỷ won vào tháng 10. eBay Korea cung cấp dịch vụ "Giao hàng thân thiện" thông qua các trung tâm hậu cần do CJ cùng điều hành.

Khoản chi lớn của Coupang để đảm bảo giao hàng nhanh chóng là một động thái có tính toán để chống lại sự cạnh tranh ngày càng tăng. Theo Bộ Công nghiệp, có 13 công ty thương mại điện tử trong nước, bao gồm các công ty nước ngoài và quan hệ đối tác giữa nhà bán lẻ trực tuyến 11Street và Amazon.

Điều kiện làm việc là một vấn đề tiềm ẩn khác đối với Coupang. Công ty có đội xe giao hàng được tuyển dụng trực tiếp lớn nhất trong nước, bao gồm hơn 15.000 tài xế.

Tuy nhiên, ít nhất hai trường hợp tử vong gần đây của nhân viên giao hàng Coupang do làm việc quá sức đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các tài xế giao hàng và nhân viên kho hàng có đang trả giá cho dịch vụ giao hàng nhanh như vậy hay không.

Mới đây, các nhóm lao động đã báo cáo cái chết của một tài xế giao hàng Coupang ở độ tuổi 40 do làm việc quá sức. Tháng 10 năm ngoái, một nhân viên trong cơ sở hậu cần ở Coupang đã tử vong sau khi trở về nhà sau ca trực đêm. Một ủy ban của chính phủ sau đó đã tìm ra nguyên nhân có liên quan đến công việc.

Các cáo buộc về nhân viên làm việc quá sức trong hoạt động hậu cần của công ty
Các cáo buộc về nhân viên làm việc quá sức trong hoạt động hậu cần của công ty đã gây khó khăn cho Coupang.

Coupang không phải là công ty công nghệ duy nhất có tốc độ phát triển nhanh chóng đi kèm với những tranh cãi như vậyTháng 12 năm ngoái, một nhân viên giao đồ ăn theo hợp đồng của công ty con Ele.me của Alibaba đã qua đời khi đang giao hàng thứ 34 trong ngày.

Đối với CEO Kim, đây chỉ là một trong số những thách thức mà anh cần phải giải quyết nếu muốn trở thành Jack Ma tiếp theo.

Bảo Bảo (Theo Nikkei Asia)