Liên minh châu Âu đạt thoả thuận về hệ thống Internet vệ tinh trị giá 6 tỷ Euro

16:13 18/11/2022

Một hệ thống Internet vệ tinh riêng có thể giúp Liên minh châu Âu tăng tốc độ triển khai Internet băng thông rộng, đồng thời phủ sóng cả châu Phi, nơi Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh chính của châu Âu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thoả thuận về hệ thống Internet vệ tinh trị giá 6 tỷ Euro (6,2 tỷ USD), nhằm đẩy mạnh mảng viễn thông và không gian vũ trụ để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Theo Reuters, trước đó vào tháng 2 năm nay, Uỷ ban châu Âu đã công bố Sáng kiến xây dựng và vận hành hệ thống Internet vệ tinh. Kế hoạch của châu Âu được đưa ra giữa bối cảnh cạnh tranh trong không gian vũ trụ ngày một gia tăng. Kinh phí dành cho kế hoạch gồm 2,4 tỷ Euro (2,48 tỷ USD) được huy động từ các chương trình khác nhau của EU, cũng như các dự án chưa giải ngân khác và 3,6 tỷ Euro (3,73 tỷ USD) dự kiến được đóng góp bởi khu vực tư nhân.

Một hệ thống Internet vệ tinh riêng có thể giúp cả khối tăng tốc độ triển khai Internet băng thông rộng
Một hệ thống Internet vệ tinh riêng có thể giúp cả khối tăng tốc độ triển khai Internet băng thông rộng.

Kế hoạch của châu Âu được đưa ra giữa bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh tiến bộ quân sự của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ, cũng như sự gia tăng những vụ phóng vệ tinh lên không gian.

Một hệ thống Internet vệ tinh riêng có thể giúp cả khối tăng tốc độ triển khai Internet băng thông rộng, đồng thời phủ sóng cả châu Phi, nơi Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh chính của châu Âu.

Hệ thống mạng lưới trên không gian đóng vai trò là mạng lưới dự phòng trong trường hợp mất điện diện rộng hay thảm hoạ thiên nhiên lớn xảy ra, giúp duy trì kết nối trực tuyến ở những khu vực không có mặt các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống.

Quá trình phát triển ban đầu và triển khai vệ tinh có thể bắt đầu vào năm tới, diễn ra trước khi cung cấp dịch vụ đầy đủ với tính năng mã hoá cấp cao được gọi là mật mã lượng tử vào năm 2028.

Theo kế hoạch này, khoảng 170 vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ được sản xuất và đưa lên không gian trong giai đoạn năm 2025-2027.

Hà An (t/h)