![]() |
Trong ngày hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo |
Ngày 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành trọn ngày làm việc để thảo luận tại hội trường về một số dự thảo luật và nghị quyết quan trọng, trong đó đáng chú ý là dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cùng các nghị quyết liên quan đến chính sách thuế và cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng.
Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là phiên thảo luận quan trọng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước, bảo đảm hiệu quả, minh bạch và phù hợp với thực tiễn. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày đã được cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phối hợp làm rõ những vấn đề còn ý kiến.
Một trong những nội dung thảo luận nhận được nhiều sự quan tâm trong ngày làm việc 13/5 phải kể đến là dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Dự thảo Luật gồm 8 chương với 83 điều, bổ sung nhiều nội dung mới mang tính đột phá, nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, dự thảo luật trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các tổ chức nghiên cứu – cho phép các đơn vị này được quyền sở hữu và tự quyết đối với kết quả nghiên cứu và tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% giá trị thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đồng thời được tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Ngoài ra, luật còn quy định cơ chế miễn trừ trách nhiệm dân sự cho tổ chức nghiên cứu nếu kết quả nghiên cứu không đạt như kỳ vọng, khuyến khích tinh thần chấp nhận rủi ro - một yếu tố then chốt trong sáng tạo khoa học. Việc đánh giá hiệu quả không dựa trên từng nhiệm vụ đơn lẻ mà dựa trên tổng thể hoạt động của tổ chức, tạo cơ chế thưởng - phạt hợp lý, đơn vị hiệu quả được tăng ngân sách, đơn vị yếu kém có thể bị cắt giảm hoặc giải thể.
Dự thảo Luật cũng bổ sung chính sách ưu đãi về Thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được.
Dự thảo Luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó quy định cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài.
Trước đó, ngày 6/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày trước Quốc hội tờ trình Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Mục đích xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm tạo hành lang pháp lý để Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.
Dự án Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính thức hóa những cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 để đưa thành quy định ổn định, lâu dài trong luật.