Một số ngân hàng lớn nhất thế giới đang chuẩn bị ngồi lại cùng nhau để thảo luận về việc khai thác một chủ đề, mà cho đến nay vẫn khiến nhiều người tại Phố Wall gặp khó khăn: thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Các ngân hàng toàn cầu và làn sóng đổi mới hướng đến môi trường |
JPMorgan Chase và Standard Chartered (StanChart) là hai trong số các ngân hàng đã cử đại diện tham dự hội nghị COP16 về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, diễn ra vào tuần tới tại thành phố Cali, Colombia. Các ngân hàng khác cũng có kế hoạch cử nhân sự tới tham dự bao gồm Citigroup, Bank of America, HSBC Holdings và Deutsche Bank.
Theo đó, sự quan tâm đột ngột đối với một chủ đề mà lâu nay vẫn được coi là quá mơ hồ cho Phố Wall diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng và các nhà quản lý tài sản đang ngày càng coi sự đa dạng sinh học như một vườn ươm mới cho các sáng kiến tài chính. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng nếu không có sự quan tâm từ khối tài chính tư nhân, thế giới sẽ không có đủ tiền để chống lại tình trạng tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra và sự suy thoái của thế giới tự nhiên.
“Mục tiêu cuối cùng là có nhiều nguồn cung tài chính và đầu tư hơn vào lĩnh vực này”, Gwen Yu, người đứng đầu bộ phận thiên nhiên và đa dạng sinh học tại JPMorgan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Bằng cách tham dự COP16, JPMorgan sẽ có thể tiến bộ trong việc xác định cách thức mà đa dạng sinh học “phù hợp với các hoạt động của chúng tôi”, bà cho biết.
Diễn ra từ ngày 21/10, hội nghị sẽ quy tụ các nhà đàm phán từ gần 200 chính phủ để đánh giá tiến độ đạt được kể từ năm 2022, khi các bên thông qua Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu (GBF). Mục tiêu của GBF là ngăn chặn và đảo ngược quá trình suy thoái của thiên nhiên vào năm 2030, điều sẽ tiêu tốn thêm 700 tỷ USD hàng năm.
Hiện tại, mới chỉ có khoảng 10% trong số các quốc gia tham gia ký kết GBF đã nộp các Chiến lược và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Đa dạng sinh học theo yêu cầu.
Ông Oliver Withers, người đứng đầu bộ phận thiên nhiên tại Standard Chartered, cho biết bước tiếp theo là xem xét các kế hoạch đầu tư của các quốc gia và xác định “những cơ hội có thể đầu tư, có tính khả thi nhất mà chúng tôi có thể bắt đầu khai thác từ quá trình đó”.
Ngoài ra, bà Yu cho biết JPMorgan sẽ tìm hiểu xem có thể làm gì để phát triển các sản phẩm mới và hiện có, “để xem liệu chúng có ý nghĩa và có nhu cầu từ khách hàng hay không”. Bà nói thêm: “Về phía doanh nghiệp, điều này liên quan đến việc làm thế nào để có thể tích hợp vào hoạt động kinh doanh”.
Một số sản phẩm đa dạng sinh học hiện có bao gồm các giao dịch “hoán đổi nợ lấy thiên nhiên” (debt-for-nature swaps), trong đó cho phép chính phủ tái tài trợ cho các khoản nợ, và sau đó sử dụng phần tiết kiệm cho bảo tồn thiên nhiên.
Cụ thể hơn, trước khi được Credit Suisse áp dụng cơ chế mới vào ba năm trước để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, hoạt động này chỉ nằm trong lĩnh vực tài chính công. Đến nay, tổng giá trị của các giao dịch này chỉ đạt 1,6 tỷ USD, theo dữ liệu của Bloomberg. Tuy nhiên, dấu hiệu tăng trưởng tích cực đã được ghi nhận. Goldman Sachs và UBS, hai công ty đã mua lại Credit Suisse vào năm ngoái, là những ngân hàng đang tích cực làm việc với các hoán đổi nợ lấy thiên nhiên, và Bank of America đã hoàn thành giao dịch đầu tiên vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, StanChart đã tạo ra một trung tâm đổi mới về thiên nhiên chuyên phát triển các sản phẩm mới. “Đây là thời điểm để chúng tôi thực sự nắm bắt cơ hội”, Marisa Drew, người đảm nhận vị trí Giám đốc Bền vững tại StanChart vào năm 2022, sau gần hai thập kỷ tại Credit Suisse, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Mục tiêu là “tạo ảnh hưởng đến việc xây dựng chính sách và sau đó là tận dụng điều này để huy động vốn”.
Sản phẩm mới mà các ngân hàng đang nghiên cứu bao gồm các tín chỉ đa dạng sinh học. Những sản phẩm này sẽ hoạt động tương tự như tín chỉ carbon, cho phép người mua giải quyết vấn đề dấu chân đa dạng sinh học (biodiversity footprint) của mình bằng cách đầu tư vào các dự án bảo tồn.
Hiện tại, theo bà Yu của JPMorgan, thị trường tự nguyện toàn cầu vẫn đang thiếu các khung quy chuẩn hoàn thiện. Đây là một bài toán nhằm "xác định xem liệu có tồn tại một thị trường như vậy, hay nó chỉ dừng lại ở một ngách rất nhỏ" - bà nói - “Và đó vẫn là một dấu hỏi lớn”.
Cơ hội đầu tư vào các quỹ nhắm đến đa dạng sinh học hiện còn đang tương đối hạn chế, với dữ liệu từ Morningstar Direct cho thấy quy mô thị trường chỉ dưới 4 tỷ USD. Điều này theo sau mức tăng trưởng 45% trong tài sản được quản lý trong năm qua. Tính đến thời điểm này của năm 2024, các quỹ dành cho đa dạng sinh học đã đạt mức lợi nhuận trung bình khoảng 11%, so với mức giảm 13% của Chỉ số Năng lượng Sạch Toàn cầu S&P.
Trong khi đó, khu vực tư nhân vẫn đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc báo cáo các rủi ro liên quan đến thiên nhiên.
“Cơ quan quản lý trên khắp các thị trường của chúng tôi đang đặt ra câu hỏi về rủi ro thiên nhiên”, bà Drew cho biết. Các yêu cầu này ảnh hưởng đến mọi thứ từ danh mục cho vay đến các khoản liên quan đến khách hàng doanh nghiệp và chính phủ, bà nói thêm.