Đó là khẳng định và kỳ vọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân VIệt Nam.
Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bức thư gửi tới giới Công thương Việt nam vào ngày 13/10/1945 nhằm khuyến khích sự phát triển cũng nhấn mạnh vai trò của giới Công thương với nội dung: “Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”
Được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng phát triển. Đến nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Năm 2023, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Bên cạnh vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân.
Đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, củng cố an ninh quốc phòng và giữ vững độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện một số tập đoàn lớn, có tiềm lực mạnh, trình độ công nghệ, năng lực quản trị tiên tiến, có thương hiệu quốc gia và uy tín quốc tế, dũng cảm vươn ra cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Ghi nhận và biểu dương các thành tích, kết quả quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định: Những đóng gióp cụ thể, thiết thực và kịp thời của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần to lớn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước. Các doanh nhân đã bằng năng lực, ý tưởng sáng tạo và khả năng chấp nhận rủi ro, tạo ra doanh nghiệp đóng vai trò là động lực của tăng trưởng, tạo nhiều việc làm, nộp thuế cho Nhà nước, nâng cao mức sống cho người lao động, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Nhiều doanh nhân tài năng đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở thành trụ cột trong một số ngành và lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Nhiều doanh nhân tài năng đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở thành trụ cột trong một số ngành và lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh quốc tế. |
Ngày càng có nhiều doanh nhân chuyển hướng vào công nghệ, sáng tạo, tham gia các ngành kinh tế, mô hình kinh doanh mới, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, sức cạnh tranh cho nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt đã vươn ra thị trường toàn cầu, khẳng định được thương hiệu Việt vươn tầm khu vực và thế giới. góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, định hình các chính sách phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới công tác quản lý kinh tế của Nhà nước; thúc đẩy cạnh tranh, là động lực để cùng nhau thăng tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, giảm chi phí, có lợi cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các doanh nhân mẫu mực cũng luôn theo đuổi tiêu chuẩn đạo đức, thực hành nguyên tắc cạnh tranh công bằng và làm chuẩn mực cho xã hội.
Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, giúp đỡ người yếu thế, đóng góp lớn, san sẻ khó khăn, mất mát của người dân trong đại dịch COVID-19, siêu bão Yagi vừa qua và nhiều đợt thiên tai khác.
Dù vậy, trong mặt bằng chung, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó cho rằng đội ngũ doanh nhân vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực quản trị hạn chế, chưa có nhiều doanh nhân vươn tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Tỉ lệ số lượng doanh nghiệp và doanh nhân so với dân số còn thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh những khó khăn do sự bất ổn và sụt giảm của thị trường toàn cầu, hoạt động kinh doanh của các doanh nhân lớn, nhỏ còn gặp nhiều khó khăn do nhiều rào cản của cơ chế, chính sách, pháp luật, năng lực của các cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi phát triển của giới doanh nhân.
Thời gian qua nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân đã có những thay đổi tích cực. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước phù hợp hơn với cơ chế thị trường; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân.
Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân vẫn còn ít cơ hội tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách; tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp, nhiều ngành hoặc được lắng nghe nhưng không tiếp thu đáng kể, thực chất. Những vướng mắc về thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh chậm được sửa đổi, trong đó có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của mội số văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn lực đất nước đang “đọng” rất lớn trong các quy hoạch treo, dự án vướng mắc thủ tục, tài sản đất công, trụ sở công không sử dụng, tài sản trong tranh chấp, kiện tụng, tài sản nằm trong các vụ án kéo dài,... rất chậm được xử lý, giải quyết.
Tại buổi gặp mặt doanh nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhận định: Tương lai của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là rất hứa hẹn nhưng cũng nhiều thách thức. Những tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa, sự trỗi dậy của cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây... đã mở ra tiềm năng khai thác các thị trường toàn cầu mà không gặp nhiều rào cản về địa lý đáng kể, cùng với sự phát triển nhanh, năng động và những cải cách thể chế và môi trường kinh doanh sẽ tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển.
Đây chính là cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn về cách tân công nghệ, xác lập “phương thức sản xuất số”, đi tắt, đón đầu xu hướng của thế giới, tạo vị thế và tầm ảnh hưởng mạnh trong một số ngành công nghiệp then chốt, tạo giá trị gia tăng cao, đưa nền kinh tế quốc gia thăng tiến lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị; là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân.
Nhằm thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao trong tầm nhìn 20 năm tới và xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững, việc cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành xương sống, mũi nhọn và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược như hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, kỹ thuật số,... Quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng hướng tới những chuẩn mực quốc tế; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Tương lai năm 2045 liệu nước ta có thể trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao hay không là nhờ sự gánh vác của đội ngũ doanh nhân hôm nay và tương lai. Để hoàn thành sứ mệnh đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn, có trách nhiệm; luôn giữ vững niềm tin đối với cơ nghiệp của bản thân, cơ đồ và tương lai đất nước; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển; tinh thần đổi mới, sáng tạo và nghệ thuật tiếp thị sản phẩm; đề cao quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ, thực thi chính sách lao động công bằng, chú trọng xây dựng thương hiệu.