Làm thế nào để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp?

11:58 17/11/2023

Các chuyên gia cho rằng, việc tháo van tín dụng để giải quyết bài vốn cho doanh nghiệp là cần thiết. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng?

Ngân hàng cần nắm bắt khó khăn trực tiếp của doanh nghiệp

Tại Hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" vừa diễn ra sáng ngày 17/11 do báo điện tử Dân Trí tổ chức, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM chia sẻ về kết quả tăng trưởng tín dụng mới nhất cũng như những nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chưa như kỳ vọng, các giải pháp thúc đẩy tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM.

Ông Lệnh cho biết, tăng trưởng tín dụng TPHCM tính đến cuối tháng 10 tăng trưởng tín dụng 4,67% so với cuối năm 2022 và 7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với tốc độ của cả nước. Xét về số tuyệt đối chiếm tỷ trọng tương đương 27% so với cả nước. TPHCM chiếm tỷ trọng cao trong tổng tăng trưởng tín dụng cả nước.

“Tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mối quan hệ biện chứng. Ở góc độ ngân hàng, với cơ chế chính sách, hỗ trợ cụ thể, các ngân hàng thương mại tiếp cận khách hàng, nắm bắt khó khăn trực tiếp của doanh nghiệp”, ông Lệnh nói.

Theo ông Lệnh,  ngân hàng cần nâng cao trách nhiệm, doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng Nhà nước tiếp khoảng 1.000 nhu cầu vốn kiến nghị, xử lý bằng cách chỉ đạo ngân hàng trả lời việc giải ngân cho khách hàng.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Việt Nam là nơi tốt nhất về niềm tin chính trị, sự cung ứng, các chiến dịch toàn diện… Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất. Lãi vay cũng đã bắt đầu giảm dù chưa bằng giảm lãi huy động. Tổng cầu tiêu dùng, xuất khẩu đầu tư có điểm tích cực, dù cơ bản vẫn còn rất khó khăn.

Ông Thành nêu ra những nhóm chính sách quan trọng nhất có ảnh hưởng tới nền kinh tế. Trong đó, nhóm thứ nhất là tài chính tiền tệ, lạm phát ổn, thanh khoản ổn, hệ thống tài chính ngân hàng ổn. Lạm phát có thể tăng nhưng phải ổn.

Ông cho biết, nhiều chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024. Lãi suất trước mắt rất khó giảm, áp lực không phải lạm phát mà chủ yếu là vấn đề tỷ giá.

Vị chuyên gia này hi vọng tỷ giá xuôi hơn, giữ được vĩ mô. Tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14% mà nguyên nhân là không có đầu ra, tiêu chuẩn người đi vay chưa được đáp ứng...

“Nhóm chính sách tiếp đó là hỗ trợ tổng cầu (lao động, giảm thuế VAT, kích thích du lịch, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài…). Chuyên gia hi vọng đầu tư tư nhân không phải gửi tiền vào ngân hàng mà để sản xuất, kinh doanh”, ông Thành nói.

Ông nói thêm: “ Một nhóm nữa là sửa đổi luật làm cho bộ máy "nhúc nhích". Một số tỉnh thành đã được tạo cơ chế đặc thù như: tỉnh Khánh Hòa, TP.Cần Thơ, TPHCM, tạo chính sách mới. Bên cạnh đó là sửa đổi một số luật cũ như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng”.

Ông Thành tin rằng, lịch sử Việt Nam đẹp và huy hoàng nhất chính là thời điểm vượt khó. Vì thế, tranh thủ được lợi thế, nắm bắt được cơ hội không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, mà còn thay đổi để bắt kịp, đi nhanh cùng với thế giới.

TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

Chỉ tiêu tín dụng tính trên GDP là quá cao

Bình luận về câu chuyện tín dụng hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng,  trong bối cảnh vĩ mô đặc biệt nhưng tín dụng quen thuộc. 9 tháng đạt 1/3 chỉ tiêu, tôi quen suốt 10 năm nay rồi, đó là câu chuyện thời vụ. So với mục tiêu tín dụng năm nay đạt 14% thì rất xa. Với bối cảnh kinh tế thì dự báo cũng phải đổi thay.

Ông Trung nhận định, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì tín dụng chỉ 11-12% thôi. Nếu như vậy thì dự báo rất lạc quan là rất bình thường. Hiện giờ con số đã đạt 7,49% rồi. Tôi theo dõi 10 năm nay rồi thì các tháng 11,12 có tính thời vụ tăng 2% là bình thường. Tết năm nay là một nửa thì cần ngân hàng nỗ lực hơn, xét duyệt nhanh hơn, doanh nghiệp nỗ lực hơn.

Theo ông Trung, tín dụng tăng 9 tháng vừa rồi là bình thường, đúng chu kỳ. Chỉ có điều chúng ta tính đến điều xấu nhất để đưa giải pháp tốt nhất. GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng, để hai bên không kêu nhau.

Ông này phân tích, khả năng cao để hấp thụ của nền kinh tế thì 11-12% là phù hợp, không nên nhắc đến 14-15% nữa. Cân bằng rủi ro ngân hàng chấp nhận được, khẩu vị của doanh nghiệp.

Những chỉ số như PMI, đơn hàng đang tốt lên. Tồn kho, việc làm tốt hơn. Đến 2024 quay về vạch nhưng dự báo là khó khăn.

Đồng quan điểm nêu trên, TS Võ Trí Thành nói thêm, về đặt chỉ tiêu tín dụng, 2 năm tới, trừ khi hệ thống tài chính lành mạnh thì chưa thể bỏ quota tín dụng.

Ông khẳng định, tăng trưởng tín dụng lớn hơn là vấn đề khó. Việc đặt chỉ tiêu 14-15% là chúng ta dũng cảm và khó khăn thì cho linh hoạt.

Ông nêu thực chất là đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao, chỉ tiêu tín dụng trên GDP là 130% là quá cao. Trong tương lai, thị trường vốn phát triển thì tín dụng Việt Nam sẽ ở mức 10%, không còn là 13-14-15% như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank
Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank.

Theo ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank, ngân hàng luôn xác định tập khách hàng SMEs được ưu tiên và luôn có những chính sách ưu đãi, triển khai xuyên suốt thời gian qua.

Ông Bách cho biết, ngân hàng chia ra các chương trình đối với khách hàng doanh nghiệp, gắn với các lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế: xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Nhóm SMEs sẽ gắn với tiêu dùng và đầu tư.

Ông Bách cho hay, từ đầu năm 2023 đã có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với nhóm khách hàng doanh nghiệp. Thời điểm hiện tại có 4 chương trình gắn với nhóm khách hàng doanh nghiệp trong đó chia theo lĩnh vực.

Ông Bách thông tin: Sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 1,3-4%/năm tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3-1,5%/năm. Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này. Đây không chỉ là việc Agribank mà các ngân hàng thương mại đều vào cuộc đồng hành. 

Agribank - với vai trò là ngân hàng Nhà nước, quy mô tín dụng lớn nhất thị trường, dư nợ tín dụng đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng. Cùng đồng hành với chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, ngân hàng cũng giảm lãi suất trực tiếp đối với 440.000 tỷ đồng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỷ đồng cho 1,7 triệu khách hàng.

Agribank là ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. 

Theo đó, Agribank đã phê duyệt cấp tín dụng 4 dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt là gần 2.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng cũng đã ủy quyền các UBND tỉnh ủy quyền và cung cấp các dự án nhà ở xã hội, các chi nhánh Agribank đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền cấp tín dụng dự kiến gần 12.000 tỷ đồng.

Nghệ Nhân