Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có văn bản phản hồi UBND tỉnh Lâm Đồng về đề xuất hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Đáng chú ý là việc xác định phần vốn thực hiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư đối với đoạn tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo Bộ KH&ĐT, tại Quyết định 1386 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: Phần vốn nhà nước chi trả kinh phí bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư, xây dựng công trình tạm và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 6.500 tỷ đồng, phương thức quản lý và sử dụng nguồn vốn này theo quy định của Luật PPP.
Tuy nhiên, quy định chưa xác định rõ phần vốn ngân sách Trung ương hay vốn ngân sách địa phương sẽ thực hiện nhiệm vụ này.
"Để giải ngân cho công tác bồi thường, GPMB và tái định cư đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Nai được thuận tiện, UBND tỉnh Lâm Đồng cần phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo rõ phần vốn ngân sách Trung ương hay vốn ngân sách địa phương sẽ thực hiện nhiệm vụ này.
Các địa phương cũng cần tính toán chi tiết số hộ dân, các công trình hạ tầng trên tuyến cần phải bồi thường, di dời phục vụ dự án, từ đó xác định kinh phí cho công tác GPMB, tái định cư của từng tỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí, giao kế hoạch vốn để thực hiện", Bộ KH&ĐT đề nghị.
Liên quan đến đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước (phần vốn Trung ương) tham gia dự án Tân Phú - Bảo Lộc, Bộ KH&ĐT đánh giá đây là việc rất khó khăn do hiện tại, nguồn vốn Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phân bổ hết cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Ngoài ra, việc tăng giá trị vốn ngân sách Nhà nước phải tuân thủ quy định của Luật PPP. Khi đó, dự án phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Vì vậy, Bộ KH& ĐT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cần đánh giá kỹ các tác động làm tăng tổng mức đầu tư dự án (tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước) đảm bảo việc thực hiện dự án PPP có sự tham gia vốn Nhà nước đạy được hiệu quả.
"Về đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp, đề xuất vào danh mục các dự an được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định", Bộ KH-ĐT thông tin.
Đối với dự án đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, Bộ KH&ĐT cho biết, dự án đã được bộ đề xuất hỗ trợ 2.500 tỷ đồng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mức đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khoảng 17.000 tỉ đồng Theo đúng lộ trình, đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (dự kiến đầu tư khoảng 17.000 tỉ đồng) phải hoàn thành vào cuối năm 2025 và đấu nối vào cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.
Trong cuộc làm việc vào năm 2021 với Chính phủ, ông Trần Văn Hiệp - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - khẳng định Lâm Đồng đã chuẩn bị và có kế hoạch để đảm bảo xây dựng cao tốc đúng lộ trình.
Nhân Hà