Lãi suất trung lập của Fed là gì và tại sao nó quan trọng? (Ảnh: Bloomberg). |
Các ngân hàng trung ương quản lý nền kinh tế bằng cách điều chỉnh lãi suất ở mức khuyến khích hoặc hạn chế các hoạt động như mua xe hơi hay xây dựng các dự án. Những nỗ lực này xoay quanh một con số nằm ở giữa - mức lãi suất không kích thích cũng không kìm hãm sự tăng trưởng, được gọi là lãi suất trung lập. Đây là một mốc tham chiếu quan trọng hiện nay vì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển đang cắt giảm lãi suất khi những năm lạm phát của thời kỳ đại dịch đang khép lại. Tuy nhiên, họ đang thận trọng trước những nguy cơ lạm phát mới. Điều này có nghĩa rằng, cuộc tranh luận về lãi suất trung lập sẽ ảnh hưởng đến thời gian ngân hàng trung ương duy trì việc cắt giảm lãi suất.
Về lý thuyết, lãi suất trung lập là mức lãi suất mà chính sách tiền tệ không kích thích cũng không hạn chế tăng trưởng kinh tế. Như cựu Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Lael Brainard, đã trình bày trong bài phát biểu năm 2018, đây là mức lãi suất “giúp duy trì sản lượng tăng trưởng quanh mức tiềm năng trong một môi trường có việc làm đầy đủ và lạm phát ổn định.” (Thước đo mà Fed sử dụng để định hướng chính sách tiền tệ được gọi là lãi suất quỹ liên bang).
Về lâu dài, các ngân hàng trung ương muốn chính sách của mình phù hợp với lãi suất trung lập. Con số này cũng định hướng cách họ suy nghĩ về việc điều chỉnh lãi suất trong ngắn hạn. Nếu nền kinh tế hoạt động dưới mức tối đa, họ sẽ đặt lãi suất dưới mức trung lập để thúc đẩy tăng trưởng. Ngược lại, nếu lạm phát quá cao, họ sẽ duy trì lãi suất trên mức trung lập để kìm hãm tốc độ tăng trưởng.
Fed không biết chính xác, nhưng có ước tính về con số này. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tin rằng, xu hướng dài hạn về năng suất lao động và nhân khẩu học sẽ quyết định mức này. Năm 2012, khi Fed lần đầu công bố các ước tính về lãi suất trung lập hàng quý, con số trung vị mà Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đưa ra là 4,25%. Trong những năm sau, con số này giảm dần và từ năm 2019 đến 2023 dao động quanh mức 2,5%. Tuy nhiên, năm 2024, mức này đã tăng nhẹ qua từng quý và đạt 2,875% vào tháng 9.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell (Ảnh: Bloomberg). |
Fed muốn duy trì lãi suất gần với mức trung lập vì nhiều yếu tố kết hợp: Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt, qua đó giảm nhu cầu phải cắt giảm lãi suất sâu để kích thích. Đồng thời, lạm phát đã được kiểm soát đáng kể, nên không cần thiết duy trì lãi suất cao quá lâu. Nói cách khác, không có lý do lớn để kích thích hoặc kìm hãm nền kinh tế.
Do đó, chiến lược gần đây của Fed là cố gắng điều chỉnh lãi suất gần mức trung lập mà không phải giảm xuống dưới con số này. Hồi đầu mùa thu, khi lãi suất vẫn ở mức cao hơn trung lập, Fed đã thực hiện các đợt cắt giảm tương đối mạnh, bao gồm mức giảm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9. Tuy nhiên, với mức lãi suất dự kiến sẽ kết thúc năm ở mức 4,33% — chỉ cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với ước tính trung lập của Fed - các quan chức cho biết họ có thể giảm tốc độ cắt giảm. “Chúng ta có thể thận trọng hơn khi cố gắng tìm ra mức trung lập”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại hội nghị của New York Times ngày 4/12.
Sự không chắc chắn về lãi suất trung lập ảnh hưởng thế nào đến nhà đầu tư?
Cuộc tranh luận về lãi suất trung lập ngày càng trở nên quan trọng với các nhà đầu tư trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Kho bạc thường bám sát lãi suất chuẩn của Fed. Nếu ước tính lãi suất trung lập của Fed tiếp tục tăng, và Fed không cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa, các khoản đầu tư vào trái phiếu có thể chịu lỗ. Ngược lại, nếu lãi suất trung lập của Fed giữ dưới 3% và các đợt cắt giảm lãi suất tiếp diễn, đặt cược vào trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Theo đó, các quan chức Fed sẽ công bố ước tính mới về lãi suất trung lập cùng với quyết định lãi suất quỹ liên bang vàongày 18/12,cuộc họp cuối cùng của năm 2024.