Kỳ vọng mới
Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá năm 2020, lượng khách quốc tế toàn cầu ước giảm 70-75%, tương đương mức giảm khoảng 1 tỷ lượt khách. Du lịch Việt Nam không nằm ngoài "vòng xoáy" thiệt hại đó.
Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 79,5%; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng.
Dù khó khăn nhưng nhiều DN kỳ vọng trong năm 2021 ngành du lịch sẽ vẫn có những điểm sáng. Công ty Vietravel Holdings vừa chính thức ra mắt Hãng Hàng không lữ hành Vietravel Airlines và đưa vào khai thác trong dịp Tết Nguyên đán này. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Holdings cho biết, DN sẽ tận dụng tốt số chỗ của hãng hàng không để đưa vào tour trọn gói, đưa khách đến những điểm du lịch mới và làm mới bộ sản phẩm của mình. "Việc đưa vào khai thác Vietravel Airlines đòi hỏi lượng khách 2 chiều; DN đã và đang xây dựng các chương trình tour, sản phẩm cụ thể để TP HCM trở thành trung tâm đón khách, từ đó lan tỏa đưa khách ra các điểm đến khác. Cần tạo sản phẩm khác lạ, có tính kết nối phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng phân tích và kỳ vọng mảng du lịch nội địa của Vietravel sẽ tăng trưởng khoảng 135% trong năm nay.
Một trong những giải pháp để phát triển thị trường du lịch nội địa trong thời gian tới là triển khai hiệu quả, thành công những chương trình liên kết, thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM với các địa phương như đồng bằng sông Cửu Long, Đông Bắc, Tây Bắc, các tỉnh miền Trung… Năm 2020 TP HCM đã thực hiện các chương trình khảo sát, kết nối, xây dựng sản phẩm, ký kết hợp tác; năm 2021 sẽ phải hiện thực hóa những nội dung này, từ đó tạo ra sản phẩm mới lạ, hấp dẫn hơn nhằm thu hút du khách.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST tourist, sau những thỏa thuận, liên kết, hợp tác, bước đầu ghi nhận khách phía Bắc đi vào phía Nam du lịch rất nhiều, như từ Quảng Ninh tới TP HCM, làm tăng lượng khách đến TP HCM. Cả DN lẫn các địa phương cần đánh giá, chọn lọc điểm đến, xây dựng những tuyến điểm mới lạ, an toàn. Những nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương phải cam kết có sản phẩm mới, chất lượng tốt và giá cả hợp lý. "Lúc này, cả DN lẫn ngành du lịch có thể góp sức cùng nhau thay đổi trạng thái để TP HCM không chỉ là điểm trung chuyển mà trở thành nơi dừng chân lưu trú, trải nghiệm… Muốn vậy, cần những sản phẩm tour tuyến cụ thể, độc lạ, khác biệt; sản phẩm du lịch mới kết hợp mua sắm, giao lưu văn hóa ban đêm. Quà lưu niệm cũng cần cải thiện nhiều", ông Nguyễn Minh Mẫn phân tích.
Tại cuộc họp với ngành Du lịch do UBND thành phố Hà Nội chủ trì mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã nhận định về kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, ngành Du lịch định hướng tiếp tục khai thác mạnh thị trường nội địa, chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp theo phương châm "Liên kết, hành động và phát triển". Song song với đó là xây dựng các phương án, chủ động đón khách du lịch quốc tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tạo ra nhiều giá trị mới bằng công nghệ số
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh giải pháp tuyền thống như kích cầu du lịch, phục hồi thị trường thì chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là giải pháp quan trọng để ngành du lịch thay đổi, thích nghi với những biến động do đại dịch COVID gây ra.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, hiện nay chuyển đổi số được cho là vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị mới bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi toàn bộ mô hình quản trị, vận hành cũng như cách thức kinh doanh. Lợi ích từ chuyển đổi số không chỉ đến từ việc tiết kiệm chi phí vận hành hay đưa ra những quyết sách chính xác và nhanh chóng hơn dựa vào hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường một cách mạnh mẽ.
Theo ông Hiệp, tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đang được coi là một trong những hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng nên việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.
TH