Theo báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng TCTK cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp khởi sắc, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh và khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 3/2022 khá sôi động, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh trong tháng 3/2022 với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang gánh chịu cơn “bão giá” chưa từng có trong vài chục năm qua, đại diện TCTK cho rằng: Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. "Các cơ quan Trung ương và địa phương đã thích ứng an toàn, linh hoạt phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân cao nhằm quyết tâm phục hồi kinh tế-xã hội nhanh và bền vững," bà Nguyễn Thị Hương phân tích.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Theo Tổng cục trưởng TCTK, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 - 2023, trong đó đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao tạo động lực thúc đẩy kinh tế.
Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. "Thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước; đồng thời đẩy nhanh các dự án về điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi sản xuất tăng cũng như nhu cầu của người dân nhất là trong những tháng hè sắp tới; đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước", Tổng cục trưởng TCTK đề xuất.
Giải pháp tiếp theo được lãnh đạo TCTK nhấn mạnh là đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
P.V