Sôi động giai đoạn mở rộng của chu kỳ tăng trưởng
Một nhận định quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2018, đó là “kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng”.
Giai đoạn mở rộng, theo định nghĩa về các thuật ngữ kinh tế, sẽ bao hàm cả thời kỳ phục hồi và phát triển sôi động. Điều đó có nghĩa, hiện là thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi vững chắc và phát triển sôi động.
Không khó để tìm dẫn chứng chứng minh cho nhận định này. Sau tốc độ tăng trưởng GDP 7,08% của 6 tháng đầu năm, thì nền kinh tế tiếp tục xu thế tích cực trong tháng 7/2018.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh diễn biến tích cực trong cả 3 khu vực: nông - lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp, với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2018 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Còn nếu tính chung 7 tháng, IIP ước tăng 10,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%). “Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.
Một điều quan trọng nữa, trong sản xuất công nghiệp, thì công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn tiếp tục duy trì mức tăng cao, đạt 13,1% (cùng kỳ tăng 10%), qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần quan trọng làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào lĩnh vực khai khoáng.
Sự phục hồi và sôi động của nền kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn thể hiện qua tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu khá cao trong 7 tháng qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 264 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD (tăng 15,3%), nhập khẩu ước đạt 130,6 tỷ USD (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước). Với kết quả này, cán cân thương mại đang thặng dư 3,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một con số cũng đã được nhắc đến. Đó là chỉ trong 7 tháng đầu năm, đã có trên 2,2 triệu tỷ đồng đăng ký vào nền kinh tế, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này bao gồm vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới (771.064 tỷ đồng) và vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp (trên 1,46 triệu tỷ đồng).
“Những tín hiệu khả quan trên đã phần nào cho thấy rằng, khung khổ pháp lý thông thoáng cùng những giải pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đã có tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư, giúp tăng cường sự tham gia, đóng góp của khối tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Một đặc điểm quan trọng của “giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng kinh tế” là bên cạnh sự gia tăng của hoạt động kinh doanh, thì niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng tăng cao hơn. Đặc điểm này đã được chứng minh không chỉ qua con số mà các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký “dốc” vào nền kinh tế, mà còn là gần 23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mà các nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Trong 7 tháng, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Không có niềm tin, các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng dốc hầu bao để thực hiện các kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh như vậy.
Tìm động lực tăng trưởng mới, hóa giải thách thức
Những động lực mới của nền kinh tế dường như đã bắt đầu hé lộ, khi trong các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm nay, có sự xuất hiện của các tên tuổi lớn, như Khu liên hợp thép Formosa, hay Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm, Chỉ số IIP của Hà Tĩnh đạt mức tăng tới 149,3%, chủ yếu nhờ đóng góp của Liên hợp sản xuất Thép Formosa. Sau Hà Tĩnh, Thanh Hóa đứng vị trí thứ hai, với tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp là 28%. Lý do là Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã bắt đầu đi vào hoạt động. Dự án có quy mô xấp xỉ 10 tỷ USD này đã có những sản phẩm đầu tiên từ khoảng 2 tháng nay và đã bắt đầu có những đóng góp lớn cho thúc đẩy sản xuất công nghiệp của Thanh Hóa. Một khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Thanh Hóa sẽ còn cao hơn nữa, đóng góp chung vào giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Như vậy, cùng với Samsung - với kế hoạch xuất khẩu năm nay có thể đạt con số 58 tỷ USD, cao hơn so với con số trên 54 tỷ USD của năm ngoái (6 tháng đã đạt 28 tỷ USD), thì các dự án quy mô lớn như Formosa, Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ trở thành những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong năm nay.
Mặc dù vậy, một cách cẩn trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các yếu tố tạo bước đột phá cho nền kinh tế trong nửa cuối năm còn chưa rõ ràng, do vậy, cần tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết số Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý những yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018. Chẳng hạn, sức ép về giá cả hàng hóa và lạm phát; xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng có thể ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của Việt Nam; những tác động của chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế; hay việc Mỹ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất USD…
“Trong bức tranh tăng trưởng chung, xu thế tích cực là chủ đạo, nhưng những thách thức, rủi ro nói trên vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ và có những đối sách phù hợp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Hà Nguyễn