GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, cho đến nay, hầu hết các tỉnh, thành đều có Nghị quyết, Đề án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, một số tỉnh đã có khá sớm như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đà Nẵng,…
Những Nghị quyết/Đề án đều thể hiện quyết tâm cao và trách nhiệm lớn của các địa phương trong việc cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý trong việc triển khai thực hiện, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các Chiến lược/Đề án này:
Thứ nhất, hầu hết các mục tiêu định lượng trong các đề án chuyển đối số, phát triển kinh tế số của các địa phương đều "na ná" như nhau và tương tự như các mục tiêu đề ra của cả nước trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo quyết định 749, "bản sắc địa phương" của các Nghị quyết/Đề án còn khá mờ. Chúng ta đã có những bất cập trong việc áp dụng cơ cấu kinh tế của cả nước cho tất cả các tỉnh, thành trong giai đoạn vừa qua. Khi phân tích về những thách thức phát triển kinh tế số của Việt nam, có một yếu tố khách quan dễ nhận thấy chính là địa lý và phân bố dân cư dàn trải, dẫn đến chi phí cao trong lắp đặt thêm các kết cấu hạ tầng và nâng cấp nền tảng sẵn có, chi phí logistic, đặc biệt tại các khu vực miền núi và vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Ngoài ra, trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 có chênh lệch lớn giữa các địa phương, vùng miền. Do đó, tiềm năng và tương lai phát triển kinh tế số của các địa phương là rất khác nhau, không thể "dàn hàng ngang cùng tiến" trong phát triển kinh tế số.
Thứ hai, tính "cụ thể hóa" trong việc triển khai các mục tiêu về tỷ trọng kinh tế số trong GDP, các ngành, chỉ tiêu tăng năng suất lao động chưa cao. Hầu hết các Đề án đều chưa chỉ rõ về định lượng cơ cấu phát triển kinh tế số (kinh tế số lõi, kinh tế internet và kinh tế ngành), tác động của kinh tế số trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung của tỉnh, các kịch bản phát triển kinh tế số khác nhau,…
Thứ ba, Chính phủ cần sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số tại các vùng kinh tế trọng điểm để liên kết các đề án chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của các địa phương thuộc vùng trọng điểm, phát huy lợi thế vùng không chỉ là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà còn có các điều kiện và tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế số.
Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều hoạt động quan trọng để thúc đẩy kinh tế số. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Ngày 24/09/2021, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được kiện toàn, đổi tên thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ủy ban có 16 thành viên, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ngày 15/3, Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã ký ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022.
DH