Kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm đã ghi nhận sự khởi sắc trở lại.

17:39 29/06/2021

Sáng 29-6, Cục Thống kê thành phố tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Phó Cục trưởng Cục thống kê thành phố Trần Nam Trung cho biết; Sau một năm kinh tế giảm sâu (GRDP năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 9,77% so với năm 2019), kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm đã ghi nhận sự tăng trưởng dương trở lại.

Toàn cảnh Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tại tp Đà Nẵng
Toàn cảnh Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tại tp Đà Nẵng.

  Theo ông Trần Nam Trung Phó Cục Thống kê TP. Đà Nẵng công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tại cuộc họp, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng 6 tháng đầu năm ước đạt 52.857 tỷ đồng, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020, kinh tế Thành phố đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020. Quy mô kinh tế mở rộng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2020.

Điểm sáng lớn nhất và là trụ đỡ kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm là sự tăng trưởng ấn tượng của khu vực dịch vụ. Nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và linh hoạt, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ ước đạt 5,34%, tỉ trọng đóng góp lên đến 85,4% tổng GRDP Thành phố.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Đà Nẵng ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 805,5 triệu USD, tăng 17,8%; kim ngạch nhập khẩu 643,6 triệu USD, tăng 13,8%.

Ngoài ra, một số dịch vụ cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng như tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kho bãi, thông tin và truyền thông…

Sản xuất công nghiệp tăng 2,79%, mức tăng thấp hơn kỳ vọng nhưng là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư công cũng đóng góp tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tăng ở mức 65,2%, đây là một trong những mức tăng cao nhất 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.

Dù vậy, dịch bệnh COVID-19 cũng vẫn tác động tiêu cực đến kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm thông qua những con số: Chỉ số sử dụng lao động công nghiệp tiếp đà giảm 2,8%; tỉ lệ thất nghiệp 7,27%; có hơn 1.800 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động – con số kỷ lục trong nhiều năm qua, hơn 400 doanh nghiệp giải thể, rút lui khỏi thị trường...

Tuy nhiên, nhìn chung, kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn và trong cả nước. Đây được cho là kết quả của sự nỗ lực điều hành của chính quyền Thành phố với sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp.

TP. Đà Nẵng tiếp tục là đơn vị đứng đầu về quy mô kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 16/63 tỉnh thành trong cả nước.
TP. Đà Nẵng tiếp tục là đơn vị đứng đầu về quy mô kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 16/63 tỉnh thành trong cả nước..

  Với chính sách điều hành mở, hạn chế thấp nhất việc tạm dừng các hoạt động sản xuất – thương mại – dịch vụ, các hoạt động sản xuất, giao thương cũng như xuất nhập khẩu duy trì được mạch hoạt động liên tục, hầu như không gián đoạn (trừ một số dịch vụ về lữ hành, khách sạn…), điều này được cho đóng vai trò quan trọng để mở rộng quy mô kinh tế thành phố, cũng như đưa GRDP đạt tăng trưởng dương 4,99%.

TP. Đà Nẵng tiếp tục là đơn vị đứng đầu về quy mô kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 16/63 tỉnh thành trong cả nước.

Các doanh nghiệp TP. Đà Nẵng cũng đã chủ động thích ứng với dịch COVID-19 thông qua việc vừa sản xuất vừa chống dịch. Trong sản xuất, doanh nghiệp tận dụng, tìm kiếm đơn hàng mới thông qua thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường truyền thống; song song duy trì quy trình chống dịch chặt chẽ trong sản xuất để ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ dịch bệnh lây lan trong sản xuất công nghiệp.

 Theo Phó Cục trưởng Cục thống kê thành phố Trần Nam Trung, tình hình 6 tháng cuối năm 2021 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên lãnh đạo Thành phố kiên định mục tiêu GRDP tăng 6% như kế hoạch cho năm 2021. Để đạt được mục tiêu cần sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận hiệu quả các gói hỗ trợ.

  Trọng Tâm