Kinh tế 2023 có nhiều khó khăn, dự báo GDP tăng 6,5%

10:20 03/10/2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của Việt Nam khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới và có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023.

Qua nhận định bối cảnh tình hình 2023 vẫn là khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn thì nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (KH&ĐT) lý giải:

Thứ nhất là vấn đề sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 là vô cùng khó khăn. Có thể nói rằng vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của Việt Nam khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới và có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023. 

Kinh tế 2023 có nhiều khó khăn, dự báo GDP tăng 6,5%
Kinh tế 2023 có nhiều khó khăn, dự báo GDP tăng 6,5%.

Lạm phát này qua phân tích của các chuyên gia tại các diễn đàn kinh tế vừa qua cho thấy, với các chính sách kiểm soát lạm phát mang tính cường độ rất cao của các nền kinh tế lớn thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế. Và để khắc phục tình trạng lạm phát cao dẫn đến suy thoái thì thời gian để phục hồi, phát triển và vượt qua không hề ngắn chút nào. Do vậy, Bộ KH&ĐT dự báo bối cảnh tình hình kinh tế thế giới 2023 rất khó khăn.

Bối cảnh thứ 2 là xung đột Nga - Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột này kéo theo một vấn đề đáng lo ngại là năng lượng. Vấn đề năng lượng quyết định rất nhiều đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như các nước và nước ta.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, kinh nghiệm vừa qua cho thấy khi cuộc xung đột nổ ra thì Việt Nam rất vất vả trong điều hành giá xăng dầu cũng như lạm phát. Bối cảnh này khiến việc đoán định càng khó hơn là sẽ diễn biến theo chiều hướng nào cũng như cường độ, mức độ tăng giảm ra sao. Căng thẳng này nếu đẩy lên một mức độ cao hơn nữa có thể sẽ dẫn tới các hệ lụy vô cùng khó cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa.

Nguy cơ cuối cùng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế năm 2023 là tác động của các vấn đề nguy cơ phi truyền thống như bão lũ, dịch bệnh. Với những bối cảnh trên, Bộ KH-ĐT đã đưa ra một con số báo cáo với Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%.

P.V