Ảnh minh họa
Người chủ doanh nghiệp nhỏ cũng đồng thời là một nhà tiếp thị. Có lẽ người chủ này chưa bao giờ được huấn luyện bài bản nhưng thực chất thì họ đang làm công việc tiếp thị cho doanh nghiệp của mình. Các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thường không thể có được một đội ngũ chuyên nghiệp để đảm nhận toàn bộ công việc liên quan đến tiếp thị.
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tiếp thị, nhưng nói một cách cô đọng, tiếp thị thành công là khi doanh nghiệp có thể tạo được một trải nghiệm thương hiệu mạnh mẽ và thuyết phục được khách hàng. Tiếp thị cũng là một công việc không bao giờ có điểm dừng. Những lúc mà doanh nghiệp đã lên kế hoạch đâu vào đó thì thường lại có chuyện xảy ra - một đối thủ cạnh tranh xuất hiện, sự tiến bộ nào đó về công nghệ hay một thay đổi liên quan đến pháp luật hiện hành đòi hỏi doanh nghiệp phải suy tính lại. Đây là một thực tế vẫn hay xảy ra với mọi doanh nghiệp, dù lớn dù nhỏ.
Nhiều doanh nhân khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp nhỏ nhìn vào các thương hiệu lớn và không khỏi mơ ước rằng họ cũng có thể “nghĩ lớn, làm lớn” và tạo được ảnh hưởng lên thị trường. Thật ra, hệ phương pháp mà doanh nghiệp cần để tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng là như nhau, dù cho doanh nghiệp đó là Nike, là một nhà hàng địa phương, BMW hay một nhà tư vấn độc lập. Dĩ nhiên, ngân sách thì rất khác nhau nhưng cách thức và quy trình để doanh nghiệp tiến đến mục tiêu về cơ bản là như nhau.
Khi bắt đầu công việc tiếp thị, xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể học được nhiều từ cách thức mà những thương hiệu lớn tạo nên trải nghiệm để kết nối, lan tỏa và chiếm được lòng trung thành của khách hàng.
Vấn đề mà người chủ, người thuyền trưởng cần làm là biến doanh nghiệp của họ thành một thương hiệu bằng cách tạo ra một trải nghiệm được “đo ni đóng giày” cho đối tượng khách hàng cụ thể của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ thậm chí có thể làm chuyện này tốt hơn cả doanh nghiệp lớn.
Một thương hiệu cần phải biết cách truyền cảm hứng và điều này nên là “mục tiêu tối thượng”. Một doanh nhân mới bước vào thương trường có lẽ không dám nghĩ rằng doanh nghiệp của họ có thể truyền cảm hứng, có thể kể một câu chuyện thú vị. Thế nhưng, nên nhớ rằng chính các doanh nghiệp nhỏ mới là xương sống của nền kinh tế và là “cách mà cuộc sống vẫn đang diễn ra”. Các doanh nghiệp nhỏ có thể mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống hơn cả phần đông “những ông lớn”. Sự cách tân và sáng tạo không nhất thiết phải đến từ các công ty khổng lồ mà đến từ tư duy, hành động thực tế và sự đột phá của những doanh nghiệp nhỏ.
Vì thế, các doanh nghiệp mới, nhỏ cần hành động như một thương hiệu – xác định khách hàng mục tiêu, định vị cho doanh nghiệp và vạch ra các kênh tiếp xúc với khách hàng – tất cả những gì cần làm để xây dựng và tiến hành một kế hoạch tiếp thị toàn diện không khác gì “một ông lớn thực thụ”.
Theo DNSG