Có chiến lược rõ ràng
Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, vốn là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các CEO trẻ. Tuy nhiên, không phải startup nào cũng có cơ hội tiếp cận được với nhà đầu tư và thuyết phục họ đầu tư vào những dự án kinh doanh của mình. Các startup luôn gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, đã có rất nhiều startup gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư tầm cỡ.
Ông Lê Đắc Lâm, Giám đốc điều hành của Hệ thống website & ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến cho rằng, khi thành lập công ty, tổng số vốn ban đầu của DN khoảng 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngần đó là chưa đủ nếu DN muốn mở rộng kinh doanh, do vậy DN tập trung cao độ nhằm huy động nguồn vốn từ các tập đoàn lớn của nước ngoài và sau quá trình chuẩn bị bài bản, kiên trì, có chiến lược, DN đã thành công với ba thương vụ lớn từ Tập đoàn Alibaba- John Wu đã đầu tư 3 triệu USD; Quỹ đầu tư Hendale Capital khoảng 10 triệu USD và gần đây nhất là nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding với mức định giá 45 triệu USD.
Chia sẻ bí quyết gọi vốn thành công từ các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, ông Lê Đắc Lâm cho rằng, về cơ bản, mọi quyết định đều dựa trên quyền lợi. Trách nhiệm lớn nhất của DN khi đi gọi vốn là làm sao thuyết phục được nhà đầu tư rằng đầu tư vào DN này sẽ mang lại lợi ích như họ kỳ vọng. Nếu họ tin vào điều đó, họ sẽ đầu tư. “Mỗi startup khi gọi vốn đầu tư cần hội tụ đủ yếu tố như khách hàng, sản phẩm, đội ngũ kinh doanh, kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh sản phẩm, công nghệ và con người là điều kiện không thể thiếu”, ông Lâm nói thêm.
Còn theo CEO Nguyễn Văn Thanh Bình, Công ty TNHH Thương hiệu và đồng phục Lion, khi mới thành lập, DN gặp rất nhiều khó khăn để gọi được vốn cho dự án của mình. Sau một thời gian kêu gọi đầu tư, Lion mới có được khoản đầu tư nhỏ ban đầu. “Kinh nghiệm rút ra cho các startup là trình bày sản phẩm rõ ràng bằng kinh nghiệm, kiến thức am hiểu và đam mê. Bên cạnh đó, các sartup nên đi theo xu thế của xã hội, phát triển những gì mà cộng đồng quan tâm. Ngoài ra, để tăng tỷ lệ gọi vốn thành công, startup không nên chỉ gửi hồ sơ tại một nơi duy nhất mà cần tiếp cận nhiều nhà đầu tư khác nhau để tìm ra nhà đầu tư phù hợp”, CEO của Lion nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh Bình, bên cạnh vấn đề về lĩnh vực kinh doanh, các startup cũng cần cân nhắc quy mô, số vốn cần gọi để quyết định gõ cửa địa chỉ nào. Khi quy mô DN startup còn nhỏ thì tìm đến các nhà đầu tư vừa phải sẽ là lựa chọn hợp lý hơn gõ cửa các quỹ đầu tư lớn. Đồng thời, các startup cũng nên xem xét khả năng hợp tác với các DN lớn để khai thác thị trường địa phương.
Đứng trên góc độ là cơ quan hỗ trợ DN, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc trung tâm nghề nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp, Đại học Bình Dương cho rằng, những người đi câu có kinh nghiệm đều hiểu muốn câu loại cá nào phải dùng đúng loại mồi loài cá đó ưa thích. Điều này cũng hoàn toàn đúng với trường hợp của các startup đi gọi vốn đầu tư.
Theo bà Hương, mỗi hình thức gọi vốn có những ưu và khuyết điểm riêng, tương ứng với từng giai đoạn phát triển của một startup. Biết chọn hình thức gọi vốn phù hợp, các startup sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển DN hiệu quả. “Để món tiền của nhà đầu tư có cơ hội sinh lời, startup nên chủ động chọn lĩnh vực kinh doanh ít bão hòa và đáp ứng nhu cầu thị trường thay vì chạy theo số đông vì không ai muốn đầu tư vào sản phẩm có quá nhiều", bà Hương nói.
Hiểu rõ đối tác
Bên cạnh kinh nghiệm gọi vốn thành công của một số startup vẫn còn nhiều DN chưa “gặp may”. Theo một số chuyên gia kinh tế, trước khi thắc mắc tại sao dự án của mình không nhận được đầu tư, các startup cần tự đánh giá lại dự án của mình một cách khách quan.
Theo quan điểm của bà Hương, khi nhà đầu tư chưa đồng ý, thị trường chưa sử dụng sản phẩm của mình. Điều đó chứng tỏ dự án của mình còn điểm chưa đúng, trúng. “Mô hình kinh doanh, đội ngũ quản trị dự án và khả năng thoái vốn là những yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm khi xem xét đầu tư. Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư có những quan điểm, nhu cầu khác nhau. Do đó, startup cần chọn nhà đầu tư có nhu cầu phù hợp với mình, nếu chọn sai thì đương nhiên hiệu quả không như kỳ vọng”, Giám đốc Trung tâm nghề nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nói.
Quan điểm của ông Lê Đắc Lâm, các startup nên tránh những nhà đầu tư không hiểu về giá trị hay mục tiêu của công ty, bởi sự thiếu đồng cảm có thể dẫn đến sự bất hòa trong suốt quá trình hợp tác. Bên cạnh đó, startup Việt không nên chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam mà phải tìm hiểu mở rộng khách hàng ở thị trường thế giới với nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh Bình, các startup cũng nên xem xét thận trọng các nhà đầu đưa ra quá nhiều điều kiện như là rút vốn sớm hay yêu cầu quá nhiều quyền trong công ty, can thiệp vào công việc điều hành đến mức sửa sản phẩm/ dịch vụ mà công ty đang tập trung hoặc đòi hỏi quá nhiều cổ phần mặc dù mới chỉ dừng ở vòng gọi vốn đầu tiên. Bởi thực tế cho thấy, thời gian qua một số startup gặp phải nhà đầu tư tiếp cận DN với mục đích trục lợi, ra điều kiện khoản đầu tư như một khoản cho vay tài chính và đòi hỏi lãi suất cao.