Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ thời điểm bùng phát dịch Covid - 19 vào đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó bao gồm các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trong đó đã cắt giảm chi phí, giảm dòng tiền ra và vào của doanh nghiệp; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các khu, cụm này.
Đặc biệt, ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP trong đó đã bao gồm các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời, mang tính tổng thể, bao quát để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp nói riêng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Riêng đối với một số cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Hiện nay, Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý IV/2021. Trên cơ sở đánh giá tình hình các doanh nghiệp trong các khu, cụm và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, địa phương cũng như quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan thực hiện 02 nhóm giải pháp, gồm nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay và nhóm các chính sách dài hạn, tạo nền tảng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp phục hồi và phát triển.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trước hết, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực với doanh nghiệp, người lao động và người dân. Liên quan đến hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách trung ương nhằm hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo định hướng quy hoạch tỉnh nhằm thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp cho các địa phương, cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần xử lý kịp thời các vướng mắc doanh nghiệp đã nêu. Đặc biệt, các địa phương chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.
Về nhóm các chính sách dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, Chính phủ, Bộ ngành cần thống nhất xác định phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức đánh giá hành lang pháp lý cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế để xây dựng đề xuất trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng Luật Khu kinh tế trong giai đoạn 2021-2025. Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn để quản lý chặt chẽ các cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các doanh nghiệp/dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp; nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý về cụm công nghiệp trên địa bàn.
Về cơ chế chính sách nhằm khai thác lợi thế của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, đổi mới, đa dạng các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
PV