Kiến nghị giải pháp từng bước đưa doanh nghiệp sản xuất trở lại sau mốc 15/9

23:40 07/09/2021

Với mốc ngày 15/9, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, nếu như TP Hồ Chí Minh vẫn không kiểm soát được dịch theo một tiêu chí đặt ra, nền kinh tế có vẫn phải đóng cửa hay không? Hay thay vào đó cần một lộ trình chi tiết từng bước mở cửa dần hoạt động sản xuất doanh nghiệp, dựa trên 2 yếu tố then chốt, đó là "tỉ lệ tiêm vaccine" và "khôi phục chuỗi cung ứng".

Theo tính toán, vào ngày 15/9 TP Hồ Chí Minh có thể đạt tỉ lệ 34% được tiêm vaccine mũi 2. Đây là mức không theo kỳ vọng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, thành phố nên xem xét nới lỏng dần ở những nhóm ngành, lĩnh vực đã đạt được tỉ lệ tiêm mũi 2 cao. 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia Kinh tế
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia Kinh tế.

Ngoài ra, nếu như TP Hồ Chí Minh muốn mở lại hoạt động của nhóm ngành, lĩnh vực nào quan trọng phải có kế hoạch tăng cường tiêm mũi 2 cho khu vực đó trước.

"Ngay từ bây giờ, chúng ta phải lên một phương án tiêm vaccine mũi 2 cho các nhóm đối tượng để đạt được tỉ lệ cao và khi đạt được tỉ lệ đó có thể xem xét nới lỏng dần các biện pháp về phong toả giãn cách, giới hạn các hoạt động kinh tế đi lại. Chúng ta không thể chờ, người đủ mũi 2 rồi vẫn phải chờ người khác chưa đủ mũi 2 sẽ chậm trễ cơ hội cho nền kinh tế", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia Kinh tế cho hay.

Theo ghi nhận từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối FDI, mốc ngày 15/9 tới đây khá quan trọng khi họ dựa vào đó để đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, ký kết đơn hàng với đối tác. Do đó, theo các chuyên gia, Việt Nam phải có kế hoạch cho một số doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất khi họ có phương án hoạt động tương ứng tỉ lệ tiêm vaccine.

"Bởi chính doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất với bao nhiêu người đã tiêm vaccine họ có thể sản xuất được và họ sẽ muốn khôi phục sản xuất nhanh nhất có thể. Họ có thể không đạt được 50-100% công suất nhưng ít ra phải sản xuất được đơn hàng và phải giao được hàng", TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh Quốc cho biết. 

TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh Quốc
TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh Quốc.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, nếu chỉ mở một số doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ đóng cửa chuỗi cung ứng bị đứt. Do vậy, kế hoạch mở cửa là cần được tính toán cụ thể để chuỗi cung ứng nguyên liệu và vận tải hàng hoá được thông suốt trong nội bộ và giữa các địa phương với nhau kế hoạch mới hiệu quả và thực chất.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ các nước, một vấn đề về tư duy các địa phương cần phải thay đổi đó là nếu ai bệnh người đó nghỉ, những người được xét nghiệm âm tính vẫn được tiếp tục làm việc.

TS. Hồ Quốc Tuấn nói: "Xác định khi mở lại sản xuất việc số ca bệnh tăng là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra và xem đó là việc thiếu may mắn hơn là vấn đề về trách nhiệm. Vì nếu chúng ta tập trung vào việc quy trách nhiệm, nhiều doanh nghiệp họ sẽ thấy gánh nặng quá lớn thì họ thà đóng cửa, phá sản chứ không làm".

Các chuyên gia cũng lo ngại, nếu không gỡ bỏ dần việc giãn cách vào mốc 15/9, một lượng lớn đơn hàng từ khối FDI sẽ bị chuyển đi nước khác do họ không thể chờ, chưa kể các nguồn lực mà khối doanh nghiệp này dự tính tăng đầu tư tại Việt Nam cũng có nguy cơ sẽ bị chuyển đi.

Ở thời điểm hiện nay, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang là điểm sáng so với các nước trong khu vực. Điều quan trọng lúc này là phải nhanh chóng có phương án để Việt Nam vẫn được ở lại trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng các giải pháp khôi phục lại sản xuất hiệu quả.

PV