Từ ngày 1/3/2018, theo quy định tại Thông tư 47 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), các doanh nghiệp viễn thông chỉ được khuyến mãi tối đa 20% đối với thuê bao trả trước.
Từ ngày 1/3/2018, thuê bao trả trước chỉ được khuyến mãi tối đa 20%. |
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, quy định khuyến mại tối đa 20% với thuê bao trả trước của Bộ TT&TT không phù hợp về quản lý doanh nghiệp, không tuân thủ kinh tế thị trường; Ít có cơ quan quản lý nào quy định doanh nghiệp khuyến mãi chỉ 20%. Ở các quốc gia khác vẫn khuyến mãi 70-80% tùy vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để quyết định.
Đồng ý kiến, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, các chính sách vĩ mô đã ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh và môi trường viễn thông, trong đó có quy định khuyến mãi tối đa 20% đối với thuê bao trả trước, hạn chế thanh toán qua thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số…
"Bỏ ngỏ" thuê bao trả sau
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam là quốc gia có thị trường di động phát triển sau so với nhiều quốc gia và đi theo hướng người dùng tự trang bị máy di động. Với chủ trương tạo điều kiện từ cơ quan quản lý, thị trường di động Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển "nóng" với các chính sách "mở cửa" hết cỡ cho khách hàng trả trước của nhà mạng.
Phát triển "nóng" của các thuê bao trả trước gây nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn tin rác, sim rác. (Ảnh: Vân Anh). |
Trong khi đó, các khách hàng trung thành - thuê bao trả sau lại không được chú trọng phát triển do cần nhiều thủ tục. Phần lớn các thuê bao trả sau đều là nhóm khách hàng doanh nghiệp, khách hàng được cơ quan thanh toán cước điện thoại hàng tháng...
Anh Nguyễn Hữu Mạnh, một doanh nhân ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thường phải dùng hai điện thoại, một trả trước và một trả sau. Điện thoại dùng sim trả sau thường chỉ để nghe. Điện thoại trả trước dùng để nhắn tin, gọi điện và vào mạng internet.
"Thuê bao trả sau tôi dùng đến nay cũng ngót 20 năm, tuy nhiên hầu như không có ưu đãi hay chăm sóc gì đặc biệt từ nhà mạng. Sử dụng thuê bao trả trước, nạp tiền đợt khuyến mại giúp thu hiệu quả kinh tế tốt hơn", anh Mạnh chia sẻ.
Không phải tính toán quá nhiều về hiệu quả kinh tế trong kinh doanh, chị Phạm Phương Loan, một nhân viên công sở ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, lý giải việc đang sử dụng thuê bao trả trước là để kiểm soát chi phí.
"Cước nghe gọi và dịch vụ internet của thuê bao trả sau chẳng ưu đãi hơn trả trước là mấy. Không những thế hầu như chẳng bao giờ khuyến mại. Nếu có vấn đề liên lạc đến tổng đài của nhà mạng cũng phải chờ "hết hơi" may ra mới được giải quyết. Nếu dịch vụ trả sau tốt hơn, tôi sẵn sàng chuyển đổi", chị Loan cho hay.
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG ASEAN. (Ảnh: Vân Anh). |
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG ASEAN cho rằng, trên thị trường quốc tế đúng là có việc nhà mạng khuyến mãi 70-80%, tuy nhiên phải có cái nhìn đa chiều khi đặc thù Việt Nam khác so với các nước.
"Các nhà mạng ở Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước từ đầu tư, giấy phép, tài nguyên tần số, hạ tầng đến dữ liệu thông tin người dùng... Trong khi ở nước ngoài, các nhà mạng phải đấu giá với nhau quyết liệt và bỏ ra một chi phí khá lớn để được sở hữu một băng tần", ông Lê Thanh Tâm phân tích.
Cần tính đến chất lượng
Giải thích quy định về áp khuyến mãi tối đa 20% cho thuê bao trả trước, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT nhận định, cơ sở pháp luật quy định tối đa khuyến mãi 20% đối với thuê bao trả trước hoàn toàn hợp lý theo Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn Luật Viễn thông.
Mục tiêu của quy định này là tăng cường thuê bao trả sau, kiểm soát thuê bao trả trước chặt chẽ hơn, giảm thiểu vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, đồng thời kiểm soát tốt tài nguyên đầu số để phục vụ cho việc phát triển các thiết bị IoT (internet of thing) trong tương lai.
PGS.TS Vũ Minh Khương, Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore). (Ảnh: Vân Anh). |
PGS.TS Vũ Minh Khương, Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đánh giá, giá dịch vụ nghe gọi, nhắn tin tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Giá dịch vụ mạng 3G, 4G ở mức trung bình thấp so với quốc tế, tuy nhiên chất lượng cung cấp dịch vụ còn chưa đồng đều.
Giới chuyên gia nhận định, với xu thế phát triển hiện nay, các nhà mạng cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, củng cố lượng khách hàng trung thành hơn là phát triển "nóng" khách hàng mới.
Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2018, doanh thu hoạt động viễn thông ước đạt 188.300 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy có thể thấy, dù bối cảnh khó khăn do quy định hạn chế thanh toán qua thẻ cào, siết khuyến mãi thuê bao trả trước, chuẩn hóa thông tin thuê bao... các nhà mạng vẫn "ăn nên, làm ra".